Nỗi lo ngập lụt

06:08, 13/08/2019

Những ngày qua, TP Đà Lạt và đảo ngọc Phú Quốc bị ngập sâu, người dân bì bõm trong biển nước, giao thông bị ách tắc là thông tin nóng rẫy. Nghịch lý làm sao khi ở cao nguyên mà cũng bị ngập lụt, rồi ở đảo- thủy triều lên lên xuống xuống- mà cũng bị "sống chung với… nước ngập".

Những ngày qua, TP Đà Lạt và đảo ngọc Phú Quốc bị ngập sâu, người dân bì bõm trong biển nước, giao thông bị ách tắc là thông tin nóng rẫy. Nghịch lý làm sao khi ở cao nguyên mà cũng bị ngập lụt, rồi ở đảo- thủy triều lên lên xuống xuống- mà cũng bị “sống chung với… nước ngập”.

Theo thống kê, mưa lớn liên tục và kéo dài đã làm ngập hơn 63km đường ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) với độ sâu trung bình từ 0,7m, có nơi ngập tới 2m. Đảo Phú Quốc có khoảng 8.424 căn nhà bị ngập, 24 căn bị sập và tốc mái, rất nhiều vật dụng, tài sản của người dân bị ngập nước, hư hỏng... Tổng thiệt hại do ngập gây ra hơn 107 tỷ đồng. Còn may là không có thiệt hại về người.

Là thành phố cao nguyên, nhưng gần đây, nhiều khu vực tại TP Đà Lạt cũng bị ngập cục bộ khi xảy ra mưa lớn. Trong đợt mưa lũ vừa qua, TP Đà Lạt có ít nhất 11 căn nhà bị ngập, trong đó 3 căn bị sập tường, 3.000m² nhà kính tốc mái, hơn 20ha hoa và rau màu bị thiệt hại, hàng chục ô tô hư hỏng do bị ngập nước.

Đợt ngập lịch sử này cho thấy, đó là do tình trạng phát triển quá nhanh nhưng thiếu quy hoạch. Nhìn bức ảnh “rừng bê tông” chắn kín bờ biển Phú Quốc trên Zing News mà không khỏi giật mình.

Nhìn từ trên cao sẽ thấy, các công trình khách sạn, khu nghỉ dưỡng chen chân mọc lên dày đặc chắn dòng chảy, cho nên dù hải triều có xuống thì nước vẫn còn bị “giam” lại.

Trong khi đó, tình trạng xây dựng lấn chiếm sông, suối rồi sự phát triển nhanh về dân cư, khách du lịch và sản xuất, kinh doanh… gây áp lực lên hệ thống hạ tầng về thoát nước vốn đã quá cũ kỹ.

Còn tại TP Đà Lạt, theo một vị lãnh đạo thì việc phát triển quá nhanh nhà kính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng. Cuối thập niên 1990, TP Đà Lạt chỉ có một số nhà kính thì hiện đã có khoảng 2.400ha (toàn tỉnh Lâm Đồng có 4.500ha nhà kính).

Phát triển nhà kính góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng không tính toán khu vực đó có phù hợp hay không đã dẫn đến hệ quả là nước bị chiếm không gian thẩm thấu xuống bề mặt đất, dồn vào một khu vực, gây ngập là điều không tránh khỏi.

Phát triển là điều cần thiết nhưng phải có sự tính toán hợp lý, quy hoạch đồng bộ. Nếu không thì “lợi bất cập hại”!

HOÀNG HÀ

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh