Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp ngày càng tăng nhưng "cung" chưa khớp với "cầu" do vẫn tồn tại một khoảng trống về năng lực.
Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp ngày càng tăng nhưng “cung” chưa khớp với “cầu” do vẫn tồn tại một khoảng trống về năng lực.
Đó là nhận định đáng được quan tâm tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn” diễn ra cuối tuần trước.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác- PTNT Lê Đức Thịnh cho biết, việc đào tạo cơ bản bảo đảm mục tiêu về số lượng lao động được đào tạo nghề quy định trong Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Quyết định số 971/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo.
Tuy nhiên, nhân lực lao động trong nông nghiệp đang diễn ra tình trạng “cung” chưa khớp với “cầu”, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Theo đại diện Hội Khoa học phát triển nông thôn, trình độ nguồn nhân lực và lao động nông thôn rất thấp đã và đang ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận khoa học- công nghệ trong lĩnh vực này.
Những vùng, miền kinh tế kém phát triển thường thiếu kinh phí đào tạo, chủ yếu trông chờ ngân sách trung ương, hay từ các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ. Ðây chính là rào cản lớn trong việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Rõ ràng có một khoảng trống về năng lực, cần được gấp rút bù đắp, nếu không nông dân sẽ bị mất cơ hội hội nhập, thu nhập của nông dân sẽ thấp, khả năng chuyển đổi nghề khi bị mất đất hoặc cơ hội tham gia vào môi trường lao động công nghiệp đòi hỏi các kỹ năng và tính kỷ luật lao động cao là không dễ dàng”.
Có thể nói, Đề án 1956 được đánh giá là đã góp phần thay đổi tư duy của nông dân trong sản xuất để nâng cao đời sống. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao hơn trong thực tiễn, đề án cần được nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể để đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm phát huy hiệu quả trong chặng cuối, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn bền vững.
HOÀNG HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin