Vang mãi giai điệu tự hào

06:07, 27/07/2019

Không biết từ bao giờ, những giai điệu về tình yêu quê hương, đất nước qua hình ảnh những người mẹ, người lính... đã chảy trong huyết quản bao thế hệ người Việt Nam, cất thành tiếng ca đầy tự hào...

Không biết từ bao giờ, những giai điệu về tình yêu quê hương, đất nước qua hình ảnh những người mẹ, người lính... đã chảy trong huyết quản bao thế hệ người Việt Nam, cất thành tiếng ca đầy tự hào...

“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ...” Những ca từ rất đẹp trong “Đất nước” do nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ thơ Tạ Hữu Yên, đã làm lay động tâm thức bao người.

Từ hình ảnh nhà thơ miêu tả người mẹ Việt Nam lồng trong dáng hình đất nước: “giọt đàn bầu”, “giọng ca dao”, “lũy tre làng”, “bãi dâu”, “bến nước”, “câu hò”, “tiếng sáo”...

Đặc biệt là tình tiết “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về mình mẹ lặng im...” nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nói rằng, như khắc vào tâm khảm của ông một nỗi day dứt và những thổn thức đó thôi thúc ông phổ nhạc cho bài thơ này.

Từ “Đất nước”, chúng ta bước vào cuộc hành trình bằng âm nhạc tri ân những anh hùng thương binh, liệt sĩ trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Mỗi khi giai điệu cất lên, tiếng đồng vọng từ quá khứ lại trở về, một quá khứ rất đỗi đau thương nhưng không kém phần hào hùng và bi tráng.

Đó là “Màu hoa đỏ”, được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhạc sĩ Thuận Yến vẽ nên bằng những ca từ và giai điệu hết sức sâu lắng và xúc cảm. Người chiến sĩ từ giã mái tranh nghèo ra đi theo tiếng gọi của non sông và mãi mãi hóa thân thành “đá núi”, “mây ngàn”, “bóng cây tre”...

Trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập và bảo vệ nền hòa bình cho đất nước, biết bao con người đã ngã xuống, mãi mãi để lại tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường. Nhưng vẫn lạc quan, tâm hồn phơi phới: “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh, tiếng hát ai vang động cây rừng? Phải chăng em, cô gái mở đường? Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát...”

Cùng với “Cô gái mở đường”, nhạc sĩ Xuân Giao miêu tả chi tiết theo từng giai điệu của bài hát, “Chào em cô gái Lam Hồng” của nhạc sĩ Ánh Dương, “Lá đỏ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp... hình ảnh những cô gái can trường vượt qua mưa bom bão đạn để giao thông thông suốt đã được khắc họa đầy tự hào bên cạnh sự khắc nghiệt trên “những con đường Tổ quốc yêu thương”.

Còn là “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn. Hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây...”

Khi bài thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, thì chất thơ, chất nhạc quyện chặt với nhau, nâng cánh cho nhau vang vọng khắp các chiến trường, thôi thúc hàng triệu trái tim xông pha nơi tiền tuyến, giết giặc lập công...

Những ngày tháng 7, những giai điệu tự hào lại vang lên. Vết thương chiến tranh vẫn hiện hữu dù đã nhiều chục năm trôi qua, hiển hiện trong đôi mắt mỏi mòn của mẹ, hiển hiện trong những “Vết chân tròn trên cát”.

Để chúng ta nhắc nhớ, trân trọng và tự hào về truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh. Và nhất là, không bao giờ được quên đạo đức tri ân những người đã cống hiến, hy sinh cho nền độc lập của Tổ quốc.

TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh