Học sinh không thích sử ta?

05:07, 17/07/2019

Lại tiếp tục một năm không vui khi nhìn phổ điểm của môn Lịch sử tiếp tục xếp vị trí chót bảng trong tổng số 9 môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Lại tiếp tục một năm không vui khi nhìn phổ điểm của môn Lịch sử tiếp tục xếp vị trí chót bảng trong tổng số 9 môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Theo thông tin VietNamNet, điểm trung bình của môn Lịch sử năm nay là 4,30 điểm. Có đến 70,01% thí sinh (399.016 em) có điểm dưới trung bình.

Năm 2018, điểm trung bình toàn quốc của môn Lịch sử là 3,79; thấp hơn hẳn so với mức điểm của năm 2017 là 4,6.

Có muôn vàn lý do để giải thích cho vấn đề “sợ” học môn Lịch sử Việt Nam: Thứ nhất, môn học này quá khô khan. Các dữ liệu ngày, tháng, năm và nội dung dễ gây cảm giác buồn ngủ cho người nghe. Thứ hai, quá trình lịch sử Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung rất dài.

Thật khó để thuộc nằm lòng ngần ấy thông tin, bởi não chúng ta còn phải dung nạp vô số kiến thức của những môn học khác.

Thứ ba, một số giáo viên giảng bài chưa thực sự thu hút. Thứ tư, học sinh miễn cưỡng học vẹt để đối phó với giáo viên khi bị gọi lên trả bài và thi cử.

Cuối cùng, học sinh được học từng giai đoạn lịch sử ở từng cấp học, năm học, nhưng chưa có giáo viên nào tổng kết và hệ thống lại tiến trình lịch sử từ xa xưa đến hết thời chiến tranh để học sinh có thể ôn lại và nắm rõ kiến thức.

Vì những lý do nêu trên mà kiến thức lịch sử đã được dạy, học sinh đều trả lại hết cho trường lớp và thầy cô.

Rất nhiều trường hợp gần đây đã minh chứng cho thực trạng đó. Điển hình như vào năm 2013, khi học sinh biết Lịch sử là môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, nhiều học sinh đã xé đề cương lịch sử rồi rải trắng sân trường.

Còn nhớ, năm 2015, môn Lịch sử bị ghét đến nỗi tại trường chỉ có duy nhất một thí sinh thi môn này, trong khi nhà trường vẫn phải bố trí 66 cán bộ coi trông và làm đề thi.

Đây không phải là vấn đề chỉ riêng một trường, một cơ sở giáo dục hay một vùng gặp phải, mà là một thực trạng chung, một vấn nạn mà cả ngành giáo dục và xã hội đang phải đương đầu.

Tốt nghiệp THPT và ĐH, đa số học sinh, sinh viên đều tìm đến những con đường và ngành nghề khác nhau, có rất ít học sinh đam mê môn Lịch sử và sống bằng nghề này.

Vô hình trung khiến nhiều người không yêu mến môn học này, dù là người Việt Nam nhưng lại không nhớ được lịch sử Việt Nam, thậm chí là ghét nó. 

HOÀNG HÀ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh