Để thêm yêu biển

06:07, 20/07/2019

Tận hưởng mùa hè lên rừng, xuống biển, chúng tôi chọn những hòn đảo xinh đẹp để "sống những ngày hè nhuộm nắng". Nhiều du khách thường "nhảy tàu" từ Hà Tiên ra Hải Tặc sang Nam Du, đến Phú Quốc, qua Ba Hòn Đầm, Hòn Sơn, ghé Hòn Tre… mới chịu lên bờ về đất liền.

Tận hưởng mùa hè lên rừng, xuống biển, chúng tôi chọn những hòn đảo xinh đẹp để “sống những ngày hè nhuộm nắng”. Nhiều du khách thường “nhảy tàu” từ Hà Tiên ra Hải Tặc sang Nam Du, đến Phú Quốc, qua Ba Hòn Đầm, Hòn Sơn, ghé Hòn Tre… mới chịu lên bờ về đất liền.

Nằm giữa vùng biển Tây Nam (tỉnh Kiên Giang), ngoài Phú Quốc, thì các đảo khác cũng đang trở thành nơi “check in” của rất nhiều du khách thích khám phá.

Biển đảo không chỉ có cát vàng, biển xanh, nguồn hải sản tươi rói; mà còn có những con người chân chất, nhiệt tình giúp cho chuyến đi thêm đáng nhớ.

Một hôm trên Hòn Sơn, mải mê chụp hình ở các bãi đá, khám phá đời sống người dân, chừng đói bụng thì đã hơn 13 giờ, nhiều quán ăn hết thức ăn, chúng tôi gặp quán nước nhỏ ven đường, nhưng lại không bán cơm, mì gói cũng không còn. Thấy thương, cô chú chủ quán hỏi “còn cơm nguội nhà nấu, tụi con ăn được hông?” “Dạ, được”- chúng tôi mừng quá đáp ngay.

Cô chú Ba Trang- chủ quán- kêu anh con rể bưng nồi cơm, còn cá chiên, canh khoai mỡ… cho chúng tôi ăn, dặn luôn: “Ăn tự nhiên nhe tụi con. Cơm nhà nấu, gạo mua từ đất liền chở ra, ngon lắm”.

Chưa bao giờ chúng tôi được ăn bữa cơm vừa ngon, lại thân tình đến vậy. Vừa ăn vừa được nghe kể chuyện. Chú Ba nói, gia đình 4 đời chôn rau cắt rốn ở đây.

Hồi xưa biển cá rất nhiều, chú sống bằng nghề đi biển, chỉ đánh bắt cá lớn. Nào cá bóp 50- 70kg, nào cá đuối bự bự, cá thiều đầy đống…

Giờ lớn tuổi, nghề biển có mấy người con tiếp nối. Khu vực đồi dốc nhà chú trồng rất nhiều dừa, chuối, xoài, mít. Như nhiều người dân đảo, gia đình chú sử dụng nước dây, truyền từ trên núi xuống, ngọt mát và trong vắt.

Sống lâu trên đảo, nương theo tự nhiên mà đánh bắt cá, trồng trọt… Và bây giờ, “chừng 2 năm nay, khách du lịch tới đảo đông lắm.

Vợ chồng tui già thì bán nước, cà phê, trò chuyện với khách cũng rất vui”- cô Ba nói, lại thích nghi thêm với nhịp sống mới. Khách tới gặp người trên đảo thân tình, kể chuyện sinh sống, làm ăn trên đảo… vừa xúc động vừa mê. Cô chú Ba bảo vui, nhưng trăn trở một điều “khách tới đông, đảo ngày càng nhiều rác!”

Đó cũng là một dấu lặng cho chuyến đi “giáp hết đảo”. Thực tế, chúng tôi thấy nhiều hòn đảo xinh đẹp đang chịu đựng lượng rác thải, ô nhiễm rất lớn.

Như ở Hòn Sơn, bãi Thiên Tuế rất đẹp nhưng không ai dám tắm vì bị rác thải chiếm lĩnh. Trên đảo còn có cả đoạn đường ven biển làm bãi chứa rác, khiến du khách phải thốt lên “biển một bên và… rác một bên”!

Để thêm yêu biển và giữ biển sạch hơn, nhiều du khách đã có ý thức không mang theo nhiều ly, chai nhựa sử dụng 1 lần hoặc có thì cũng khăn gói đem về đất liền. Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc cần nhắc nhở nhau ý thức hơn trong việc du lịch có trách nhiệm với môi trường sống, với sinh kế của người dân nơi mình đặt chân tới.

TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh