Từ ốc bươu vàng đến tôm càng đỏ

08:05, 24/05/2019

Anh bạn đồng nghiệp đi học ở Cần Thơ kể rằng: Những năm 90 thế kỷ trước, cuối tuần lê la ra quán lai rai thì được ông chủ quán bưng ra đúng ba con ốc… "Pháp", bảo là "ốc này đại bổ, mỗi người chỉ được ăn một con".

Anh bạn đồng nghiệp đi học ở Cần Thơ kể rằng: Những năm 90 thế kỷ trước, cuối tuần lê la ra quán lai rai thì được ông chủ quán bưng ra đúng ba con ốc… “Pháp”, bảo là “ốc này đại bổ, mỗi người chỉ được ăn một con”.

Vài năm sau đó, con ốc Pháp kia chính là con ốc bươu vàng trôi nổi trên khắp ao mương, sông rạch, cánh đồng,… Chúng đẻ trứng đỏ bờ đỏ bụi, phát triển cực nhanh. Chúng tàn phá lúa non đến mức nông dân gọi là dịch ốc bươu vàng. Bây giờ ốc bươu vàng chỉ dành cho vịt và không biết ngành nông nghiệp đã tốn bao nhiêu công sức, tiền của để khống chế nó.

Giờ đến lượt tôm càng đỏ (còn gọi là tôm hùm đất)- loại tôm mà sức sống, khả năng thích nghi môi trường thuộc hàng siêu đẳng. Xem clip con tôm đỏ từ trong nồi lẩu bò lên thành nồi rồi dùng càng phải “đoạn chi” càng trái (đã chín) để thoát thân mà không khỏi mắt tròn mắt dẹt...

Tôm càng đỏ đang được nhập ồ ạt và vô tổ chức qua biên giới nước ta. Chúng thường có màu xanh sẫm và nâu đỏ, có 5 cặp chân rất khỏe dùng để đào hang, 2 cặp hàm rất khỏe với ba cặp chân ở hàm dùng để đưa thức ăn vào miệng. Một con tôm cái có thể đẻ 300- 800 trứng một lần.

Tôm càng đỏ nếu lọt ra ngoài môi trường như ốc bươu vàng cũng hoàn toàn có thể gây ra cuộc tàn phá mới với nông nghiệp. Không chỉ ăn tất cả các loại búp cây non, các loài tôm cá nhỏ, chúng còn là nguồn gây những bệnh nguy hiểm cho các vùng nuôi tôm và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng, kể cả các mầm bệnh là vi rút gây ra dịch bệnh đốm trắng ở tôm.

Đây chính là loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm đã từng gây hại ở Trung Quốc. Từ năm 2012, Việt Nam đã nuôi thử loài tôm này tại một trạm thực nghiệm ở Phú Thọ nhưng về sau thấy chúng nguy hiểm quá nên dừng lại ngay.

Từ năm 2013, Nhà nước ta đã đưa loài này vào danh sách sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp- PTNT đã có công văn hỏa tốc yêu cầu UBND các cấp và cơ quan Hải quan mọi địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu, lưu giữ và buôn bán loài tôm nguy hiểm này.

Mỗi người dân chúng ta, hãy là người tiêu dùng có hiểu biết, quyết không sử dụng tôm càng đỏ.

Việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản. Bộ luật Hình sự 2015 đã ghi: Người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

HOÀNG HÀ

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh