Chính phủ điện tử trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào mục đích phục vụ tốt nhất, thuận tiện nhất cho giao dịch hành chính và tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.
Chính phủ điện tử trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào mục đích phục vụ tốt nhất, thuận tiện nhất cho giao dịch hành chính và tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.
Đây là khuyến nghị của đại diện Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) tại tọa đàm về Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin- Truyền thông phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức mới đây.
Ông Nguyễn Quang Đồng- Viện trưởng IPS- cho biết: Năm 2017, số lượng dịch vụ công trực tuyến cấp 3, cấp 4 khá nhiều nhưng số lượng các hồ sơ có giao dịch khá hạn chế. Năm 2018, tình hình chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ giao dịch đúng hạn cũng khá cao, đạt trên 90%.
Số lượng thủ tục hành chính được đưa qua hệ thống thông tin một cửa cũng tăng lên. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 6 kênh kết nối chính để thực hiện thủ tục văn bản, như vậy vẫn còn khá rườm rà, phức tạp cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đánh giá của bà Đỗ Thanh Huyền- Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), trong 10 năm qua, Việt Nam đã có sự phát triển về công nghệ thông tin nhưng không có nhiều sự đột phá.
Một trong những bất cập lớn nhất khi xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam hiện nay là người dân thiếu thông tin về Chính phủ điện tử và hành chính công.
Người dân sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… nhưng chưa thực sự cảm thấy tin tưởng khi chia sẻ những thông tin cá nhân với các cơ quan hành chính do lo ngại về sự bảo mật thông tin.
Vì thế, bà cho rằng, để xây dựng Chính phủ điện tử thành công, điều quan trọng nhất là xây dựng lòng tin của người dân đối với Chính phủ và sử dụng các sản phẩm của Chính phủ điện tử.
Muốn vậy thì các cơ quan hành chính công phải bảo đảm cung cấp thông tin minh bạch, cán bộ công quyền cởi mở hơn và sẵn sàng cùng tham gia, giúp đỡ người dân khi sử dụng các dịch vụ này.
Tại tọa đàm, nhìn chung các ý kiến nhất trí quan điểm chú trọng và đo lường Chính phủ điện tử từ bên ngoài như mức độ đầu tư, phần mềm cho ứng dụng công nghệ là chính nhưng cũng làm sao để người dân, doanh nghiệp sử dụng được mới quan trọng.
Địa phương có đầu tư công nghệ thông tin, có website nhưng lại không tương tác được với người dân, người dân không sử dụng dịch vụ trực tuyến thì coi như thất bại.
HOÀNG HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin