Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào đầu vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, với tổng diện tích gieo sạ hơn 1,6 triệu hecta. Hiện tại nhiều đồng lúa đã chín vàng, nhưng tiến độ thu hoạch rất chậm, giá liên tục sụt giảm. Nông dân như ngồi trên đống lửa.
Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào đầu vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, với tổng diện tích gieo sạ hơn 1,6 triệu hecta. Hiện tại nhiều đồng lúa đã chín vàng, nhưng tiến độ thu hoạch rất chậm, giá liên tục sụt giảm. Nông dân như ngồi trên đống lửa.
Thương lái ra giá lúa tươi loại thường chỉ còn 4.300 đ/kg, lúa hạt dài khoảng 4.800- 4.900 đ/kg…, bình quân giảm khoảng 1.000 đ/kg so cùng kỳ. Tính ra mỗi hecta trồng lúa, nông dân mất từ 8- 10 triệu đồng so vụ Đông Xuân trước.
Mất mùa vì thiên tai vụ trước nên không ít hộ lâm vào cảnh nợ nần và ai cũng kỳ vọng vụ lúa Đông Xuân 2019 này “trúng mùa, trúng giá” để gỡ lại. Thế mà mới đầu vụ thì giá lúa đã giảm mạnh, tình hình này sẽ đẩy nhiều hộ làm lúa vào cảnh khốn khó hơn.
Năm 2018 vừa qua được xem là điểm sáng cho xuất khẩu gạo. Cụ thể, xuất khẩu gạo có sự bứt phá ngoạn mục với hơn 6,1 triệu tấn gạo, thu về 3,1 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu gạo đã quay trở lại mốc trên 3 tỷ USD, sau 6 năm sụt giảm liên tục. Từ những khởi sắc đó, nhiều người đặt niềm tin cho xuất khẩu gạo năm 2019 tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian gần đây giá gạo xuất khẩu trên thế giới giảm, nhu cầu tiêu thụ chậm trong khi nguồn cung tăng.
Còn gạo của Việt Nam dù đã xuất khẩu sang khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất. Hiện tại, Trung Quốc siết chặt về chất lượng và hạn chế số lượng các công ty Việt Nam có quyền xuất khẩu gạo sang nước họ, khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước lo ngại nguy cơ giảm sản lượng xuất khẩu gạo.
Trước tình hình này, chính quyền các địa phương ĐBSCL đã họp với các sở, ngành liên quan, doanh nghiệp xuất khẩu gạo và chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tìm giải pháp tiêu thụ lúa cho nông dân.
Cũng có thông tin gây xôn xao dư luận là có hiện tượng doanh nghiệp bắt tay nhau để mua lúa giá thấp trong dân, từ đó kiến nghị tăng hạn mức cho vay để lấy tiền đầu tư vào việc khác chứ không phải thu mua lúa.
Lãnh đạo các tỉnh- thành vùng ĐBSCL đề nghị chi nhánh các ngân hàng đóng trên địa bàn cần nhanh chóng báo cáo tình hình về cơ quan chủ quản ở Trung ương xem xét cho nâng hạn mức cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ giải ngân “giải cứu” lúa Đông Xuân cho nông dân.
HOÀNG HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin