"Năm nay sẽ không có chuyện giải cứu nông sản". Đó là thông tin được ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho biết tại buổi họp báo về Diễn đàn "Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019".
“Năm nay sẽ không có chuyện giải cứu nông sản”. Đó là thông tin được ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho biết tại buổi họp báo về Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019”.
Nhiều năm nay, câu chuyện giải cứu nông sản mỗi khi được mùa rớt giá đã trở nên quen thuộc đối với ngành nông nghiệp.
Cuộc giải cứu hành tím Sóc Trăng được xem là chiến dịch giải cứu nông sản đầu tiên để mở đầu nhiều cuộc giải cứu tiếp theo. Đầu năm 2017, Trung Quốc- thị trường nhập khẩu chuối lớn nhất của tỉnh Đồng Nai bất ngờ dừng thu mua khiến loại trái cây này rớt giá thảm hại. Nhiều nơi, giá chuối giảm chỉ còn 1.000- 2.000 đ/kg.
Giá chạm đáy, nhưng thương lái vẫn không mua khiến 10.000 tấn chuối bị tồn đọng trong dân, buộc các nhà chức trách tỉnh này phát động chiến dịch “giải cứu” chuối cho bà con. Nghiêm trọng nhất là “chiến dịch giải cứu thịt heo” kéo dài gần cả năm.
Tháng 4/2017, hàng ngàn nông dân tỉnh Quảng Ngãi đứng ngồi không yên, khi vụ thu hoạch dưa hấu tới nhưng không có thương lái thu mua. Giá dưa hấu có thời điểm chỉ còn chưa tới 1.000 đ/kg. Một chiến dịch “giải cứu” dưa hấu lớn nhất từ trước đến nay đã được phát động trên khắp cả nước.
Những vụ nông sản rớt giá không chỉ khiến bà con nông dân khắp nơi điêu đứng, mà còn khiến tốc độ phát triển chung của ngành nông nghiệp giảm sút.
Làm thế nào để chuyện này không lặp lại là bài toán được nhiều người quan tâm. Mỗi khi nông sản rớt giá, giải pháp thuộc nhóm đầu được đưa ra lại là... “giải cứu”. Hiệu quả hỗ trợ bước đầu dành cho người nông dân là điều không cần bàn cãi. Thế nhưng làm sao để không xảy ra những chuộc giải cứu?
Theo ông Nguyễn Quốc Toản: Cùng với bài toán quy hoạch và liên kết trong sản xuất, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp cần được tính tới. Đầu tư vào công nghệ cao, trong đó có cơ giới hóa sau thu hoạch cũng được xem là giải pháp nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.
Giải pháp đã có, Bộ Nông nghiệp- PTNT cũng đã cam kết, nông dân hy vọng.
HOÀNG HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin