Hẻm nhỏ bao dung

06:01, 12/01/2019

Thông thường, người dân vùng nông thôn- nhất là người trẻ, luôn hướng đến sống và làm việc ở các đô thị, thành phố lớn. Bởi nơi đây là trung tâm kinh tế, văn hóa của một địa phương, hay nói đơn giản như nhiều người là "dễ sống". 

Thông thường, người dân vùng nông thôn- nhất là người trẻ, luôn hướng đến sống và làm việc ở các đô thị, thành phố lớn. Bởi nơi đây là trung tâm kinh tế, văn hóa của một địa phương, hay nói đơn giản như nhiều người là “dễ sống”.

Cũng vì thế, thành phố thường có tốc độ tăng dân số nhanh hơn những vùng khác, như TP Vĩnh Long, hiện nay có trên 140.000 dân, mật độ dân cư tới khoảng 3.000 người/km2, đông gấp 5- 6 lần các địa phương khác trong tỉnh.

Có lẽ cũng vì vậy mà đô thị thường rất mở lòng, ít khi so đo chuyện “người đến người đi” hay ai là dân phố kỳ cựu ai là người mới ngụ cư.

Tấm lòng đô thị còn có thể nhìn qua hàng trăm con hẻm nhỏ. Ở nơi đây, thời gian như dừng lại, ít ồn ào, không tấp nập mà chỉ dành cho sinh hoạt đời thường, trẻ nhỏ vui chơi, cụ già ngơi nghỉ.

“Văn hóa hẻm” là việc kê một ghế ngồi vừa phải trước hiên nhà hoặc treo giỏ hoa nhỏ trên ban công sao cho không lấn sang nhà hàng xóm hoặc lối đi- vốn đã rất nhỏ hẹp…

Quả thật, một thành phố hiện đại, văn minh, lịch sự không chỉ ở các con đường lấp lánh ánh đèn hay nhà cao tầng sang trọng mà còn thể hiện ở “văn hóa hẻm” với sự giúp đỡ, quan tâm của người đô thị với người ngụ cư, nghèo khó.

Bởi vậy, chuyện nhường nhịn để kê thêm cái ghế gỗ cho chị cháo lòng đầu hẻm hay cô bán trà đá cuối hẻm là bình thường- dù có đôi khi cũng “hơi bị bực bội”.

Thế nên, những con hẻm nhỏ tự bao giờ đã trở thành một phần ký ức của người đô thị với rất nhiều cung bậc buồn vui. Quên gì thì quên, thật khó lòng mà quên con hẻm “phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà tôi ở đó”.

Bởi chỉ cần rẽ trái hoặc rẽ phải chút thôi là phố xá ồn ào bỏ lại sau lưng, mở ra hẻm nhỏ với khoảng lặng đủ để cho ta thư giãn, cảm nhận cuộc đời...

Nhưng hiện nay việc tách thửa, phân lô bán nền tràn lan cũng làm cho các con hẻm ngày càng chằng chịt, người tứ xứ về càng nhiều, đôi khi hẻm nhỏ bỗng ồn ào náo nhiệt, xô bồ cãi vã… Rồi nảy sinh nhiều vấn đề như đường đi chật chội, đường thoát hiểm không có, nước ngập, ô nhiễm môi trường…

Hẻm nhỏ vẫn bao dung nhưng rất cần sự quy hoạch, quản lý kịp thời và cần có những quy định, quy ước về “văn hóa hẻm” để hẻm nhỏ luôn là vẻ đẹp trong lòng đô thị.

PHƯƠNG NAM

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh