Khôi phục vị thế người thầy

05:08, 08/08/2018

Chiều nay (8/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); trong đó, một nội dung quan trọng, đang được hơn 1,3 triệu giáo viên trong cả nước trông đợi là chính sách đối với nhà giáo sẽ được thể hiện trong dự luật này như thế nào.

Chiều nay (8/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); trong đó, một nội dung quan trọng, đang được hơn 1,3 triệu giáo viên trong cả nước trông đợi là chính sách đối với nhà giáo sẽ được thể hiện trong dự luật này như thế nào.

Chính sách ấy không chỉ là việc xác nhận và luật hóa vị thế của nhà giáo mà hơn hết là phải tạo ra hành lang pháp lý để họ có thể toàn tâm, toàn ý thực hiện sứ mệnh “trồng người”.

Thực trạng phải thừa nhận là nhà trường hiện tại có quá nhiều áp lực và mất an toàn. Giáo viên bị áp lực từ việc hoàn thành các nhiệm vụ giảng dạy, thực hiện các yêu cầu của lãnh đạo và cấp trên, áp lực lương thấp.

Nhà giáo vẫn đang được điều chỉnh theo Luật Viên chức, vẫn được xem là viên chức đơn thuần. Hệ quả là nhiều chế độ, chính sách đối với nhà giáo chưa thực sự động viên, chưa phù hợp với loại hình lao động đặc biệt hoặc chưa được cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT nghiên cứu đề xuất để cụ thể hóa và triển khai thực hiện.

Đơn cử như chủ trương “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng” đã được BCH Trung ương nêu rõ trong Nghị quyết số 29 - NQ/TW năm 2013.

Thậm chí, chủ trương này đã được BCH Trung ương đặt ra từ hơn 20 năm trước nhưng đến nay cũng vẫn chưa thể thực hiện được. Các nhà giáo vẫn thấp thỏm chờ đợi cải cách tiền lương còn các bộ, ngành liên quan vẫn đang lỡ hẹn hết lần này đến lần khác.

Học sinh trong trường thì chịu quá nhiều áp lực từ kỳ vọng của cha mẹ, thành tích học tập của nhà trường, danh dự giáo viên dạy giỏi của cô giáo, bị bắt nạt, quấy rối, bị dụ dỗ bởi các tệ nạn xã hội. Mỗi cá nhân đều đang chất chứa trong lòng rất nhiều áp lực.

Họ như những quả bom chỉ đợi một kích thích quá ngưỡng sẽ nổ tung thành những hành vi phản cảm gây sốc cho xã hội.

Nếu chỉ căn cứ vào thu nhập thì bài giải đơn giản cho đầu vào của các trường sư phạm là lương giáo viên phải được trả cao- điều này lại không nằm trong tay ngành giáo dục.

Tăng lương, có nhiều chính sách ưu đãi đối với nghề giáo sẽ thu hút thêm người giỏi vào các trường sư phạm, làm nhà giáo chuyên tâm hơn thực hiện thiên chức “trồng người” nhưng không phải là phương thuốc thần để chữa bệnh học thêm, dạy thêm và làm tăng chất lượng giáo dục.

Điều mà nhà giáo trông chờ là xã hội hãy tôn trọng thầy cô giáo, khôi phục vị thế người thầy. Điều này quan trọng không kém so với việc làm tăng chất lượng giáo dục, khắc phục những khiếm khuyết, lệch chuẩn trong giáo dục hiện nay.

HOÀNG HÀ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh