Những ngày qua, người dân các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long bắt đầu đón lũ.
Những ngày qua, người dân các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long bắt đầu đón lũ.
Theo thông tin từ báo đài, tuần qua nhiều diện tích lúa, hoa màu bị lũ nhấn chìm. Nhưng hầu hết là diện tích ngoài đê bao ngăn lũ, nơi chính quyền địa phương khuyến cáo không gieo trồng nông sản trong mùa lũ hoặc những địa phương không quan tâm gia cố bờ bao thủy lợi.
Trong khi đó, nhiều gia đình chuyên sống bằng nghề giăng câu, thả lưới vùng đầu nguồn thì tất bật cho những công đoạn cuối cùng để bắt đầu cuộc mưu sinh mùa lũ.
Lũ về mang lại nguồn lợi có tác dụng ngâm đất diệt trừ mầm bệnh, rửa phèn, vừa mang lại một lượng phù sa khổng lồ cho đồng ruộng, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động ĐBSCL nhờ nguồn thủy sản dồi dào.
Ngược lại, lũ không về hoặc về ở mực nước thấp sẽ làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp gia tăng nhiều hơn vì phải gia tăng phân bón, thuốc trừ sâu; đặc sản mùa nước nổi không có điều kiện phát triển...
Bởi vậy, bây giờ nói đến lũ ở ĐBSCL, người dân trong vùng không còn sợ hãi hay lo lắng như cách nay 15- 20 năm trước.
Minh chứng là người dân đã chuyển từ “lũ” sang một cách gọi “thân thương”: mùa nước nổi. Cách thay đổi tên gọi cho thấy, nó cũng giống như cách mà người dân ĐBSCL thích ứng và sống hòa mình với con nước đã có từ khi hình thành vùng đất này.
Cuối cùng, cơn lũ mong đợi sau nhiều năm vắng bóng lại về. Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, mặc dù lũ xuất hiện nhưng được đánh giá là lũ “đẹp”.
Thế nhưng theo Ths Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, chuyện vỡ đập thủy điện ở Lào chỉ làm nước lũ cao thêm vài centimet.
Song, do vụ vỡ đập này nên có ít nhất 5 đập thủy điện khác ở phía Bắc của Lào sợ vỡ nên đã xả nước trùng với mưa lớn ở Lào và con nước “rong” ngày rằm. Đây là một trong những yếu tố làm cho ĐBSCL có được “mùa nước nổi” như mong đợi.
Vì vậy, người dân ĐBSCL năm nay có thể được “mùa lũ đẹp” nhưng chắc cũng canh cánh nỗi lo. Cũng còn may là con đập bị vỡ ở tận vùng Đông Bắc nước bạn Lào.
Đó cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ cho hàng loạt các đập thủy điện của hệ thống ở lưu vực thượng nguồn sông Mekong có dòng chảy trực tiếp xuống hạ nguồn. Nếu có xảy ra sự cố như các nhà khoa học từng cảnh báo thì đó sẽ là thảm họa không thể lường.
HOÀNG HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin