Học hết lớp 9 thì làm được gì?

05:07, 14/07/2018

Bi vừa học hết lớp 9 nằng nặc đòi nghỉ học, muốn đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tình huống đặt cha mẹ Bi vào thế khó.

Bi vừa học hết lớp 9 nằng nặc đòi nghỉ học, muốn đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tình huống đặt cha mẹ Bi vào thế khó.

Cha mẹ Bi nài nỉ, khuyên nhủ hết lời, còn hăm dọa “mày không đi học thì đi ra khỏi nhà”, hy vọng Bi chuyển ý và tiếp tục học lên cấp 3, rồi vào ĐH có tương lai xán lạn hơn.

Bi vẫn quyết định nghỉ học, vì nhà trường tư vấn có thể vừa học nghề vừa học bổ túc văn hóa, sau 3 năm nữa thì sẽ có bằng THPT cùng lúc bằng trung cấp nghề, Bi đủ điều kiện đi làm.

Bi mới 15 tuổi mặt búng ra sữa, nồi cơm điện còn chưa biết nấu, thậm chí mỗi sáng cha mẹ còn phải đánh thức dậy đi học, thì làm được gì? Đó là tâm lý, trăn trở không của cha mẹ Bi, mà của rất nhiều phụ huynh khi những đứa con bé bỏng của mình một ngày bất ngờ đòi nghỉ học đi học nghề.

Trước quyết định vào trường nghề của Bi và tìm hiểu thực tế, cha mẹ Bi đồng ý cùng con mình lựa chọn một trường nghề uy tín, học một nghề cho vững vàng rồi xin việc làm ổn định, hơn là chạy theo nhiều người học ĐH mà ra trường vẫn thất nghiệp.

Những năm gần đây, giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học (gồm cả THCS và THPT) đã góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện phân luồng học sinh mà chưa quan tâm đến công tác hướng nghiệp giúp cho học sinh và phụ huynh có cơ sở lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Hơn nữa, vì sao học sinh không muốn vào trường nghề? Một vị giáo sư nêu thực tế: “Tại sao các nước Châu Âu vẫn thu hút nhiều học sinh học nghề? Vì học nghề ra trường nếu tay nghề cao vẫn có lương cao.

Trong khi đó ở Việt Nam tất cả đổ xô vào ĐH vì học ĐH mới xin được việc, còn học trung cấp nếu xin được việc thì lương thấp.

Cơ chế tuyển dụng lao động không hợp lý khi ở đâu cũng đòi hỏi có bằng ĐH, trong khi yêu cầu công việc chỉ cần người có tay nghề tốt...”. Đó là những vấn đề đang đặt ra.

Nhiều phụ huynh cũng nhận thấy, việc phân luồng sớm, định hướng nghề nghiệp rõ ràng sẽ giúp tiết kiệm chi phí học tập, đồng thời giúp người học có cơ hội được làm nghề sớm để giúp đỡ gia đình.

Nhưng để thực hiện phân luồng hiệu quả thì giáo dục trên nhà trường phải có sự thay đổi mạnh mẽ, giúp học sinh hoàn tất 9 năm không chỉ đủ kiến thức cơ bản để sẵn sàng phân luồng, mà còn trang bị cho học sinh những kỹ năng đủ để có thể tự tin chọn, định hướng nghề nghiệp.

Bên cạnh cũng cần sự thay đổi định hướng, cách nhìn của gia đình với lứa tuổi mà mọi người vẫn cho là “ăn chưa no, lo chưa tới”.

TRẦN PHƯỚC

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh