Bỏ sân nhà!

05:05, 31/05/2018

Mặc dù trái cây Việt Nam đã có mặt ở khắp 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng sản lượng trái cây xuất khẩu chỉ chiếm 10% tổng sản lượng trái cây sản xuất hàng năm của cả nước. Số lượng còn lại chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Mặc dù trái cây Việt Nam đã có mặt ở khắp 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng sản lượng trái cây xuất khẩu chỉ chiếm 10% tổng sản lượng trái cây sản xuất hàng năm của cả nước. Số lượng còn lại chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Bởi vậy, việc giữ vững thị trường nội địa không kém phần quan trọng so với việc mở rộng thị trường xuất khẩu trước sự thâm nhập của sản phẩm trái cây từ các nước.

Với dân số 93 triệu dân, nếu biết khai thác tốt mạng lưới tiêu thụ thì đây cũng là nguồn thu nhập không nhỏ vì xét về chất lượng, nhiều loại trái cây Việt Nam còn nổi trội hơn trái cây ngoại.

Nhưng các doanh nghiệp sản xuất trái cây Việt Nam đang “bỏ ngỏ” thị trường nội địa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trái cây Việt Nam bị thua ngay trên sân nhà, như chất lượng thấp, kỹ thuật chế biến thủ công...

Chẳng hạn hàng nhập tuy phải qua quá trình vận chuyển dài, nhưng do được bảo quản trong các xe, kho lạnh nên vẫn giữ được sự tươi mới.

Đồng thời, hầu hết trái cây ngoại hiện nay đều được đóng thành hộp, trông khá bắt mắt. Bên ngoài hộp có chụp hình loại trái cây, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày xuất đi, thời hạn sử dụng…

Trong khi đó, trái cây Việt Nam thường bán xô, để trong cần xé lớn, không gây được thiện cảm với người mua nên rơi vào thế khó cạnh tranh, quanh quẩn sân nhà mà vẫn yếu thế.

Lãnh đạo của một tỉnh ĐBSCL cho rằng, ngành trái cây Việt Nam phải quyết tâm sản xuất chất lượng cao và tôn trọng người tiêu dùng.

Việc xây dựng vùng nguyên liệu trái cây, liên kết nông dân sản xuất trái cây, tập huấn kỹ thuật trồng trọt tiên tiến, an toàn kỹ thuật trước hết vẫn là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, giữ vững lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với trái cây Việt Nam.

Nếu không làm được điều này, 90% sản lượng trái cây Việt Nam sẽ bị người tiêu dùng trong nước “bỏ rơi” để chạy theo các loại trái cây được nhập khẩu từ nước ngoài. 

HOÀNG HÀ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh