Nhìn từ mùa mứt tết

10:01, 06/01/2018

Chừng mươi ngày nữa là đến Chạp. Có lẽ trong mười hai tháng của năm thì tháng Chạp là "mùa thương nhớ nhất"- và cũng chỉ hai tháng có được tên riêng: Chạp và Giêng.

Chừng mươi ngày nữa là đến Chạp. Có lẽ trong mười hai tháng của năm thì tháng Chạp là “mùa thương nhớ nhất”- và cũng chỉ hai tháng có được tên riêng: Chạp và Giêng.

Muốn đến Giêng xuân, thể nào cũng phải qua Chạp với những ngày biết bao là yêu mến. Tôi biết tháng Chạp đang đến gần, khi má suốt ngày lui cui sau khu vườn nhỏ (gồm hai bụi chuối, một ô gừng và một cây chùm ruột). Má cứ lo lũ gà hàng xóm bới gốc gừng làm… trầy củ.

Má ngó lên cây chùm ruột xem có được rổ đầy hay không và tính cách nào để khi hái trái chùm ruột không bị trầy xước nhiều như hồi năm ngoái, vậy làm mứt mới đẹp, mới trong. Má lại dòm buồng chuối để canh lúc nào đốn thì chuối ngon nhất.

Những trái to sẽ được để riêng cho “một lần ép” là tròn vo trong khoanh tre “má làm”- nói theo kiểu bây giờ, còn nải nhỏ cuối buồng, má dành phơi nguyên trái…

Ước mong của má đơn giản lắm nhưng cũng bao la như lòng mẹ: sao cho đàn con có một cái tết thật đủ đầy trong mật ngọt, hương thơm- mà bây giờ tôi rất muốn được gọi bằng cách trau chuốt nhất: phong vị ngày xuân.

Má chỉ không biết rằng, mình đã thật sự tham gia vào “chuỗi giá trị” sản xuất và chế biến, để làm tăng giá trị nông sản lên gấp nhiều lần.

Bởi chúng tôi lúc đó dù đói thèm hết sức, cũng không thể nào ăn hết mớ chùm ruột chua lét hoặc “gặm” củ gừng cay xè hay là ăn cho bằng hết buồng chuối chín lúc lỉu.

Như vậy, rõ ràng qua bàn tay của má (chế biến), giá trị nông sản đã được tăng lên rất nhiều lần, khiến đám trẻ chúng tôi (chắc có cả người lớn) cứ kiếm cớ lượn qua lượn lại trong gian bếp khói để “xin một miếng”.

Rồi khi vào đại học, sau mỗi tết lại đem theo mứt má làm để tự hào khoe “ngon nhất”. (Mà chắc má cũng không hay mình đã tham gia vào việc “xây dựng thương hiệu” mứt tết nhà làm hôm nay đâu).

Nhìn từ mứt tết, vấn đề đặt ra cho nông sản Việt Nam thật rõ ràng: rất cần sự chế biến, trân trọng và bắt đúng “mùa” của thị trường.

Những bà mẹ quê đã khơi nguồn cho cả một lĩnh vực mang tên “nông sản chế biến” rất thành công, từ củ khoai, trái chuối đã trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo.

Nay rất cần những người con tuổi trẻ trên bước đường khởi nghiệp luôn nhớ đến rau củ vườn nhà, góp tay chế biến để nâng cao giá trị, hội nhập thị trường chung.  

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh