Nâng cao kiến thức nhà nông

06:12, 05/12/2017

Câu chuyện buổi sáng thứ năm tuần trước với tiêu đề "Tiềm năng bị bỏ ngỏ" bàn về chuyện xuất khẩu (XK) nông sản. Do hàm lượng chế biến chưa cao, chủ yếu XK dưới dạng quả tươi hoặc chưa được đóng gói bảo quản… nên giá trị gia tăng mang lại chưa cao.

Câu chuyện buổi sáng thứ năm tuần trước với tiêu đề “Tiềm năng bị bỏ ngỏ” bàn về chuyện xuất khẩu (XK) nông sản. Do hàm lượng chế biến chưa cao, chủ yếu XK dưới dạng quả tươi hoặc chưa được đóng gói bảo quản… nên giá trị gia tăng mang lại chưa cao.

Câu chuyện cho thấy, rau quả đang giữ vai trò chủ lực kim ngạch XK nông sản với kim ngạch tiệm cận con số 3 tỷ USD.

Thế nhưng, giá trị XK rau quả Việt Nam hiện mới chiếm chưa đến 1% so với thế giới. Đây là con số rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, dù ngành sản xuất quả Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua.

Tại hội thảo “Phát triển công nghệ chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp” vừa diễn ra trong khuôn khổ hội nghị và triển lãm quốc tế thiết bị và công nghệ nông- lâm- ngư nghiệp 2017 (GROWTECH 2017) mới đây đã làm rõ nguyên nhân:

Trên 5.000 doanh nghiệp chế biến nông- lâm- thủy sản có quy mô công nghiệp gắn với XK và hàng chục ngàn doanh nghiệp chế biến nhỏ, hộ gia đình thì có khoảng 70% cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng nông- lâm- thủy sản có “tuổi đời” trên 15 năm.

Thiết bị cũ, công nghệ kỹ thuật lạc hậu dẫn đến tiêu tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng, năng suất thấp. Doanh nghiệp chủ yếu bị dẫn dắt theo thị trường và theo đặt hàng của các nhà nhập khẩu, chưa chủ động về công nghệ chế biến nhằm tạo ra sản phẩm đặc thù của Việt Nam.

Do phương pháp bảo quản còn lạc hậu, cơ sở vật chất sơ sài nên tổn thất sau thu hoạch còn lớn, dao động từ 10- 20%.

Riêng về mặt hàng rau quả, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, cả nước có trên 145 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp có công nghệ trung bình đến khá.

Ngoài ra, còn có hàng ngàn cơ sở chế biến quy mô nhỏ như sấy vải, nhãn, muối dưa chuột với công nghệ thủ công, bán cơ giới, năng suất thấp, chất lượng không cao.

Có ý kiến cho rằng, công nghệ chế biến thật ra không khó. Chúng ta không thiếu doanh nghiệp và nhà khoa học dám dấn thân để phát triển ngành này tốt hơn, song chúng ta thiếu chính sách phát triển phù hợp, đồng bộ.

Chẳng hạn, khi doanh nghiệp dám đầu tư công nghệ như thế, nhà nông phải đồng hành thế nào? Nhà nước phải làm tốt khâu tuyên truyền nâng cao kiến thức cho nhà nông thế nào để cho ra những trái, những quả an toàn? 

HOÀNG HÀ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh