Ưu tiên nhầm!

07:11, 16/11/2017

Không thể phủ nhận những chính sách thời gian qua đã tạo không ít cơ hội để xóa bỏ khoảng cách giới. Song, vẫn có những chính sách dù được ban hành vẫn không đạt được mục đích mong muốn.

Không thể phủ nhận những chính sách thời gian qua đã tạo không ít cơ hội để xóa bỏ khoảng cách giới. Song, vẫn có những chính sách dù được ban hành vẫn không đạt được mục đích mong muốn.

Tại phiên thảo luận về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia bình đẳng giới của Quốc hội tại kỳ họp lần này, nhiều ý kiến cho rằng, để bình đẳng thực chất thì chính sách cho phụ nữ phải được tính toán kỹ, bảo đảm khả thi. Bởi lẽ, có những chính sách ưu tiên nhưng vô hình trung lại làm cho phụ nữ thiệt thòi, mất quyền lợi.

Bình đẳng giới được hiểu là giữa nam và nữ đều có quyền, cơ hội ngang nhau về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và được quyền thụ hưởng như nhau về sự cống hiến. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện mục tiêu này dường như vẫn còn những rào cản.

Có những chính sách ban hành tưởng chừng là sự ưu tiên, nhưng “vô tình” sau đó lại là cái khó cho phụ nữ. Như việc quy định 38 ngành nghề không sử dụng lao động nữ và 39 ngành nghề không sử dụng lao động nữ đang mang thai và chăm sóc nuôi dạy con dưới 12 tháng.

Đây là những quy định thể hiện tính chất ưu tiên có tính tới yếu tố sức khỏe và thiên chức của nữ giới là sinh con và nuôi con. Nhưng quy định này cũng làm cho phụ nữ bị hạn chế cơ hội trong tìm kiếm việc làm.

Ngay chính sách nghỉ hưu sớm cũng là sự bất bình đẳng đối với nữ. Quy định này đã vô hình trung làm cho nữ giới mất đi cơ hội để cống hiến.

Cùng với đó là sự bất cập trong chính sách tiền lương, trong khi nam và nữ giống nhau về thang bảng lương, thời kỳ nâng lương nhưng tuổi nghỉ hưu của nữ lại quy định khác nhau, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Chính điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nữ giới khi về hưu.

Nếu Nhà nước ưu tiên chị em, nên chăng để chị em tự quyết định về sớm hay không, chứ không bắt buộc như hiện nay.

Hay một chuyện tưởng như là khuyến khích chị em, thực chất là càng làm tăng sự bất bình đẳng. Đó là chuyện thi đua đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chưa cần nói đến khía cạnh bất bình đẳng của khẩu hiệu này, tiêu chuẩn của danh hiệu này gây thêm áp lực gánh nặng công việc đối với chị em.

HOÀNG HÀ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh