Có một tổ chức phi chính phủ nhân đạo quốc tế rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh (viết tắt là MAG). Từ năm 2005, tổ chức này lấy ngày 4/4 hàng năm là ngày Nhận thức bom mìn quốc tế.
Có một tổ chức phi chính phủ nhân đạo quốc tế rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh (viết tắt là MAG). Từ năm 2005, tổ chức này lấy ngày 4/4 hàng năm là ngày Nhận thức bom mìn quốc tế.
Mục đích của MAG là tiếp tục nhắc nhở về các khó khăn mà các quốc gia chịu ô nhiễm bom mìn đang phải gánh chịu, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía các nhà tài trợ.
Nhiều năm qua, MAG và nhiều tổ chức rà phá bom mìn ở nhiều quốc gia có những hoạt động thiết thực giúp Việt Nam trên lĩnh vực rà phá bom mìn sau chiến tranh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, hiện cả nước còn trên 6 triệu hecta đất (trên 21% diện tích đất nước) bị ô nhiễm bởi bom mìn các loại, chưa kể số còn sót lại trên biển.
Và để dọn sạch bom mìn còn sót lại, Việt Nam không chỉ cần một nguồn lực khổng lồ lên tới 10 tỷ USD mà còn cần hàng tỷ USD khác cho tái định cư và đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm. Trong khi đó, với nguồn lực và tốc độ rà phá như hiện nay, phải mất 3 thế kỷ nữa thì diện tích ô nhiễm bom mìn mới được dọn sạch.
Và trong hơn 40 năm qua, tuy lực lượng công binh Việt Nam và tổ chức quốc tế hỗ trợ đã gỡ số lượng lớn bom mìn nhưng ngày ngày bom mìn vẫn tiếp tục nổ…
Theo một thống kê chưa đầy đủ: Cả nước đã có 42.132 người bị chết và 62.163 người bị thương, do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra. Trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh cướp đi tính mạng của 1.535 người và 2.272 người khác phải mang thương tật suốt đời. Trong đó, phần lớn là trẻ em và lao động chính của gia đình.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, ta đã liên tục cảnh báo về mối nguy hiểm khi tự tiện tháo gỡ bom mìn và rà tìm phế liệu chiến tranh một cách bừa bãi. Nhiều cơ quan hữu trách cũng đã lên tiếng ngăn chặn, răn đe.
Nhiều vụ buôn bán trái phép chất nổ (thuốc bom) đã bị đưa ra xét xử rất nghiêm khắc. Thế nhưng, kết quả vẫn luôn là chuyện phải bàn. Một khi những đoàn người đi rà tìm phế liệu vẫn ngày ngày kéo nhau tìm đến những cánh rừng, con sông, dòng suối; những người “cưa bom” ngay trên hè phố; những vựa phế liệu như “kho bom” nằm lẫn trong những khu dân cư;…
Nói về vấn nạn này, chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sự đói nghèo, khốn khó, mà cần lưu tâm một cách sâu sắc đến ý thức nhân mạng của con người. Đau lắm, “nỗi đau thời hậu chiến” vẫn chưa chấm dứt!
HOÀNG HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin