Viết lại cổ tích

10:03, 29/03/2015

Hẳn không phải ngẫu nhiên mà "Maleficent"- Tiên hắc ám được người xem trên thế giới chọn là bộ phim yêu thích nhất của năm. Nhà sản xuất Walt Disney đã "viết lại" câu chuyện cổ tích "Người đẹp ngủ trong rừng" bằng cách tiết lộ số phận bi kịch của mụ phù thủy độc ác- đó là người phụ nữ đã từng yêu tha thiết và bị phản bội.

[links(left)]

Hẳn không phải ngẫu nhiên mà “Maleficent”- Tiên hắc ám được người xem trên thế giới chọn là bộ phim yêu thích nhất của năm. Nhà sản xuất Walt Disney đã “viết lại” câu chuyện cổ tích “Người đẹp ngủ trong rừng” bằng cách tiết lộ số phận bi kịch của mụ phù thủy độc ác- đó là người phụ nữ đã từng yêu tha thiết và bị phản bội.

Tưởng sự phản bội đã làm trái tim băng giá. Nhưng nét ngây thơ và tình yêu trong trẻo của công chúa- vốn là con của người yêu phụ bạc- đã khiến mụ phù thủy tặng cô một nụ hôn với “tình yêu đích thực” để hóa giải lời nguyền. Tình yêu đã xóa bỏ hận thù.

Nhắc đến bộ phim “sửa lại chuyện cổ tích” cũng không phải là ngẫu nhiên. Mà bởi vì trong những câu chuyện cổ tích của chúng ta cũng từng có những chi tiết “rùng rợn”. Như chuyện Tấm Cám với cách “trả thù” mà giờ đây nhiều người rất muốn “viết lại” sao cho nhân văn, đúng với truyền thống người Việt Nam hơn.

Trong tháng Giêng vừa qua, một số lễ hội truyền thống cũng khiến nhiều người không khỏi giật mình. Như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, lễ cầu trâu ở Phú Thọ,… đầy cảnh giập đầu, máu chảy, tiếng kêu la, rất khủng khiếp. Nhiều người còn lấy tiền “nhúng máu lợn” cầu may. Chưa hết, lễ vật sau khi cúng bái, ai cũng tranh giành. Vì “nếu ai cướp được lễ vật thì năm đó làm ăn phát đạt, con cháu thuận hòa”.

Phong tục là những tập tục đẹp của ngàn đời để lại. Chữ “phong” vốn có nghĩa là đẹp đẽ, tươi tốt, thanh lịch, đầy đủ,… như trong phong nhã, phong phú, phong thái… Do đó, để phong tục không trở thành hủ tục, thì những nét hay, nét đẹp cần giữ lại, còn chuyện xấu, chuyện dở hẳn phải bỏ đi. Lễ hội và tập tục là di sản văn hóa. Không thể để mất đi nhưng cũng không phải là không thể thay đổi.

Bản thân các phong tục cũng sẽ tiếp diễn mãi giữa cái cũ và cái mới. Ngay như quan niệm về thẩm mỹ cũng luôn biến đổi. Xưa mấy ai nghĩ rằng búi tóc của nam giới rồi sẽ mất đi, mấy ai từng cho rằng hàm răng đen nhưng nhức của phụ nữ cũng sẽ không còn là tiêu chuẩn của cái đẹp. Gần đây nhất, cũng không nhiều người tin rằng đêm giao thừa không tiếng pháo.

Nhưng rồi, cái gì không còn thích ứng, không còn phù hợp với xã hội, với thời đại thì ắt phải thay đổi. Những lễ hội “rùng rợn”- cũng cần thay đổi để đẹp hơn, nhân văn hơn.

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh