Lao động lành nghề

07:12, 10/12/2014

Việt Nam được xem là quốc gia có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài bởi nguồn lao động dồi dào nhưng chi phí thấp. Thế nhưng, khi doanh nghiệp muốn tăng đầu tư, mở rộng sản xuất thì vấn đề đau đầu là lao động có kỹ thuật, lành nghề luôn thiếu và rất thiếu.

Việt Nam được xem là quốc gia có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài bởi nguồn lao động dồi dào nhưng chi phí thấp. Thế nhưng, khi doanh nghiệp muốn tăng đầu tư, mở rộng sản xuất thì vấn đđau đầu là lao động có kỹ thuật, lành nghề luôn thiếu và rất thiếu.

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung vào các công đoạn có giá trị gia tăng thấp. Trong khi để có thể tiếp tục tiến tới công nghiệp hóa, rất cần nguồn nhân lực kỹ thuật lành nghề, quản lý dây chuyền sản xuất giỏi,… Mặt khác, doanh nghiệp nước ngoài (và cả trong nước) cần và rất cần hội nhập vào chuỗi cung cấp của các tập đoàn quốc gia nên thị trường lao động lành nghề đang “nóng”.

Một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy: 80% doanh nghiệp cho rằng các ứng viên kỹ thuật cao của Việt Nam đều thiếu kỹ năng cần thiết; 40% trả lời chất lượng đào tạo nghề là một trở ngại lớn; nhiều lao động có chứng chỉ nghề nhưng không thạo việc;…

Theo JICA, 80% doanh nghiệp Nhật Bản cần có kỹ thuật viên lành nghề, đặc biệt là 89% doanh nghiệp cần lực lượng này trong tương lai. Vậy thì tại sao Việt Nam không nâng chất lượng dạy nghề theo hướng lành nghề, thông việc? Vì sao thị trường lao động Việt Nam không đáp ứng nổi vấn đề này? Câu trả lời là các cơ sở dạy nghề chưa hiểu rõ về nhu cầu kỹ năng của ngành công nghiệp, thiếu thông tin chi tiết cũng như sự thay đổi nhanh chóng về các nhu cầu tuyển dụng nên khó nắm bắt được đâu là kỹ năng nghề mà ngành công nghiệp đang cần.

Mặt khác, ở Việt Nam, có xu hướng đánh giá cao các nhà quản lý, các kỹ sư làm việc tại văn phòng hơn là các kỹ thuật viên làm việc tại xưởng. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp trường nghề thường nằm “chiếu dưới” so với sinh viên đại học.

Chính vì thế, Chính phủ nên ban hành chính sách khuyến khích quan hệ đối tác giữa cơ sở dạy nghề và ngành công nghiệp; đồng thời giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển của hệ thống đánh giá kỹ năng.

Còn lao động, đừng “nhảy việc” vèo vèo mà thiếu rèn luyện, trau dồi kỹ năng lao động! Sẽ đến lúc một kỹ thuật viên ở “hiện trường” có thu nhập cao hơn một kỹ sư ngồi bàn giấy.

AN ĐIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh