“Trâu chậm uống nước đục”

06:09, 11/09/2014

Cục Sở hữu trí tuệ vừa tổ chức triển lãm “Chỉ dẫn địa lý quốc tế 2014”. Thông tin từ triển lãm cho thấy, hiện Việt Nam có 38 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó phần lớn là nông sản.

Cục Sở hữu trí tuệ vừa tổ chức triển lãm “Chỉ dẫn địa lý quốc tế 2014”. Thông tin từ triển lãm cho thấy, hiện Việt Nam có 38 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó phần lớn là nông sản.

Là nước nông nghiệp, cùng với các yếu tố đặc trưng về mặt tự nhiên và con người, Việt Nam có nhiều sản phẩm danh tiếng, có chất lượng, có tính chất đặc thù và có giá trị kinh tế gắn với các địa danh cụ thể như: nước mắm Phú Quốc, bưởi Năm Roi, chè Tân Cương, nón lá Huế,…

Nhưng, có thể nói, con số 38 thương hiệu là một con số quá ít ỏi so với tiềm năng có hàng ngàn loại nông- lâm- thủy sản và sản phẩm làng nghề độc đáo của nước ta. Bởi còn rất nhiều sản phẩm Việt chưa được đăng ký chỉ dẫn địa lý và khi bán ra thị trường quốc tế, sản phẩm đó lại được gắn mác dưới cái tên rất xa lạ so với nơi nó được sản xuất ra.

Thậm chí, cũng do chậm trễ mà có những vùng địa lý của Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tên chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tương tự của họ.

Chính bởi sự chậm trễ ấy, nông sản và nông dân Việt luôn là đối tượng chịu thiệt thòi khi giá trị thu về không tương xứng. Song song đó, phần lớn sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là sản phẩm thô, một số sản phẩm giá trị không cao…

Dân gian Việt Nam có câu “Trâu chậm uống nước đục”. Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu như hiện nay, nếu chúng ta còn chậm chân trong việc xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thế mạnh trong nước, thì nông dân và doanh nghiệp sẽ còn phải tiếp tục ngậm ngùi nhìn sản phẩm của mình bị đánh rơi mất giá trị thực tế.

AN ĐIỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh