Một hộ dân ở Phường 3 (TP Vĩnh Long) đang xây nhà. Sau khi nghiên cứu độ cao mặt lộ, đường hẻm và mực nước ngập năm ngoái, chủ hộ dự kiến cốt nền cao 8 tấc.
Một hộ dân ở Phường 3 (TP Vĩnh Long) đang xây nhà. Sau khi nghiên cứu độ cao mặt lộ, đường hẻm và mực nước ngập năm ngoái, chủ hộ dự kiến cốt nền cao 8 tấc.
Thế rồi, nhìn mớn nước ngập nền nhà còn hằn trên vách tường và nhìn gần trông xa, chủ hộ vẫn chưa yên tâm, liền điều chỉnh thiết kế nâng cốt nền lên thêm 2 cục gạch (khoảng hơn 2 tấc). Như vậy so với mặt đất vườn, nền nhà cao hơn 1 thước.
Tuần rồi, khi đã xây xong phần gạch bó nền thì con nước rằm tháng 7 bỗng đến sớm và chồm lên cao hơn mọi năm. Thế là hộ này quyết định nâng nền thêm… 2 cục gạch nữa. Căn nhà cấp 4 trông hơi… dị và dự báo gây không ít bất tiện mỗi khi lên nhà, xuống sân…
Hiện tại, trên địa bàn thành phố đang diễn ra vòng luẩn quẩn. Đó là khi triều cường hay mưa lớn làm ngập sâu các tuyến đường và các khu dân cư thì người dân lại bỏ tiền ra cùng nhau nâng cao các con hẻm. Tiếp đó lại phải nâng nhà cho cao bằng hoặc hơn con hẻm.
Còn ở một số nơi khác thì do các công trình giao thông làm mới hay nâng cấp đã tôn cao nền đường theo quy định cốt đường mới để chống ngập nên mặt đường cao hơn nhà dân hai bên đường khá nhiều, có nơi lên tới cả thước.
Nhưng, việc nâng cao nền nhà so với đường cũng chỉ thực hiện ở mức độ nhất định đã dẫn đến tình trạng không ít hộ dân sống trong nhà mà như sống trong “hang” vì nền nhà quá thấp so với mặt đường.
Theo ý kiến của nhiều người, cơ quan chức năng cần xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm kịp thời tư vấn, dự báo cho người dân về hiện trạng khu vực, giúp người dân không bị động khi chạy theo độ cao của nền đường như hiện nay...
Bên cạnh, cơ quan chức năng cần đề xuất phương án chống ngập một cách căn cơ cho cả thành phố, chứ luẩn quẩn chống ngập kiểu “bơm tát” cục bộ như hiện nay không ổn chút nào!
AN ĐIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin