Kỹ nghệ ăn xin

06:08, 29/08/2014

Lướt web, lại bức xúc khi thấy hình ảnh những thiếu niên, thanh niên giả bị liệt, bò lê lết dưới đường để bán vé số và “móc túi” những người đi đường có lòng hảo tâm.

Lướt web, lại bức xúc khi thấy hình ảnh những thiếu niên, thanh niên giả bị liệt, bò lê lết dưới đường để bán vé số và “móc túi” những người đi đường có lòng hảo tâm.

Nếu thật sự là người khuyết tật mà quyết tìm cách kiếm tiền mưu sinh như bán vé số, thậm chí ăn xin cũng là điều tốt, đáng khuyến khích. Đằng này, họ là những thiếu niên, thanh niên khỏe mạnh nhưng giả làm người khuyết tật để vừa bán vé số vừa bán… hình ảnh “đáng thương” của mình để những người qua đường cho thêm tiền.
 
Bất ngờ là phóng viên nọ đã theo chân họ và kết luận: họ có thể kiếm tiền triệu trong khoảng 5 giờ đồng hồ (2 ca) mỗi ngày và phía sau họ là cả một đội ngũ “huấn luyện viên” đào tạo bài bản về kỹ năng bán vé số mà chẳng khác gì ăn xin. Họ mượn chiêu bài “bán vé số” để tránh bị thu gom về trung tâm bảo trợ xã hội.

Nói đến họ, lại nhớ đến một phụ nữ vận bà ba đen, choàng khăn kín mít hay ngồi trên cầu Lộ (TP Vĩnh Long) xin tiền người qua đường. Người đi đường có khi là 1- 2 học sinh bỏ vào cái ca nhựa 5- 7 ngàn tiền lẻ (có lẽ là trích từ tiền tiêu vặt của mình); có khi là một đôi vợ chồng dưới quê lên thành phố chơi, động lòng trắc ẩn…
 
Nhưng, nếu ai tinh ý sẽ thấy người ấy cố tình choàng khăn che khuôn mặt không mấy nếp nhăn cho có vẻ gầy choắt, hom hem. Và, người ấy thường gằm mặt xuống cái ca nhựa. Thi thoảng có ánh đèn xe rọi vào mặt thì chị ta nhanh chóng né ngay.

Người này cũng có người đưa đón bằng xe máy đi “hành nghề”. Để bộ mặt thành phố văn minh hơn, mong là ngành chức năng “quan tâm đặc biệt” tới người ăn xin này!

Với những người khuyết tật đi xin, ít ra họ cũng có lòng tự trọng, không muốn ăn bám gia đình.

Với những người lành lặn- thậm chí khỏe mạnh- đi ăn xin là ăn bám xã hội!

AN ĐIỀN

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh