Cần “son phấn” trái cây nội

06:07, 04/07/2014

Thử vào các siêu thị, sẽ nhận thấy mặt hàng trái cây có sự phân biệt rõ giữa hàng nội và hàng ngoại.

Thử vào các siêu thị, sẽ nhận thấy mặt hàng trái cây có sự phân biệt rõ giữa hàng nội và hàng ngoại.

Trái cây ngoại nhập như nho, kiwi, táo xanh... với giá từ 200.000- 300.000 đ/kg trở thành trái cây phổ biến. Một số loại quý hiếm hơn như: quất, dâu tây Úc có giá từ 1,2- 2,8 triệu đồng/kg được trưng bày một cách trang trọng bắt mắt trong hầu hết các quầy trái cây tại siêu thị Việt Nam .

Trong khi trái cây nội được bố trí vào một gian hàng riêng, chất thành mớ, thành đống xô bồ cho người dùng lựa chọn. Có nhiều loại trái cây sau nhiều ngày bị người tiêu dùng đào lên, bới xuống đã bầm giập, trầy xước, mặt da ngoài sạm lại, hư hỏng.

Trái cây đắt tiền được trưng bày nơi sang trọng cũng là đúng nhưng việc trái cây nội không được nâng niu càng làm giá trị trái cây Việt Nam mất giá trong mắt người tiêu dùng. Mặc dù một số trái cây trong nước có chất lượng vượt trội nhưng tư tưởng sính ngoại của người tiêu dùng và cách đối xử của người buôn bán góp phần làm hạ thấp “phẩm giá” trái cây trong nước.

Mặt khác, trái cây Việt Nam không dùng chất bảo quản như trái cây ngoại nên dễ hư hỏng. Vì vậy, khi sức tiêu thụ của các loại trái cây khác lép vế so với trái vải, buộc tiểu thương phải bán đổ bán tháo để tránh hư hỏng.

Mùa này nông sản được mùa, trái cây trong nước trúng mùa nên mất giá và trái cây nội càng bị rẻ rúng. Với cách bảo quản trái cây nội như vậy, chẳng khác gì chúng ta đang tự hạ thấp mình. Nhìn quả măng cụt, quả xoài, quả dưa nằm lăn lóc trên sạp như vậy thấy… đau lòng.

Khâu bảo quản sản phẩm nông sản sau thu hoạch cần phải được các nhà khoa học xúc tiến mạnh mẽ để “son phấn” cho trái cây trong nước đủ sức cạnh tranh với trái cây ngoại nhập. Bên cạnh người kinh doanh, người tiêu dùng cần có ý thức “ người Việt Nam … ăn trái cây Việt Nam là yêu nước”!

AN ĐIỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh