“Bốn xin”!

07:04, 24/04/2014

Chỉ ít ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, với danh nghĩa của một người đồng chí già, Bác đã viết thư “để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí ”.

Chỉ ít ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, với danh nghĩa của một người đồng chí già, Bác đã viết thư “để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí ”.

Trong thư, Bác đề cập đến việc xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với nhân dân; chăm lo rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bức thư có đoạn: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân nghĩa là để gánh vác chung cho dân chứ không phải đè đầu dân... Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh...”

Sau này, Người còn dùng nhiều từ với nghĩa tương tự để nói về cán bộ trong điều kiện Đảng có chính quyền, như: “người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân”, “người con hiếu thảo của Tổ quốc”... Các cán bộ là công bộc của dân đối lập với những người trong bộ máy nhà nước lên mặt “quan cách mạng”, “quan tham”, “phần tử hủ hóa”.v.v...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc- Trưởng BCĐ Cải cách hành chính mới đây có phát biểu khiến dư luận đồng tình: Cán bộ, công chức, viên chức phải biết thực hiện “4 xin” khi giao tiếp và giải quyết công việc cho nhân dân. Đó là “xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn”.

Những năm qua, nhiều ngành, nhiều địa phương đã thực hiện cải cách hành chính của ngành mình, địa phương mình. Nào là đã xây dựng trung tâm hành chính để tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục... để thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Nói chung, những báo cáo ấy đều đúng, đều chuẩn xác, đều trung thực… nhưng không hiểu vì sao dân vẫn kêu và vẫn cho rằng mình bị “hành hạ” khi tới cơ quan công quyền với một “mớ” các thủ tục hành chính.

Một cán bộ ngành văn hóa về hưu bộc bạch: Công chức, viên chức không những cần thuộc lòng và thực hiện tốt “4 xin” mà phải coi đó là “bài học nằm lòng đầu tiên” để trở thành công bộc và làm người tử tế .

“Xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn” là câu cửa miệng của mỗi người khi bắt đầu “học ăn”, “học nói” nhưng càng lớn, “càng làm lớn” hay “dễ bị quên”! 

AN ĐIỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh