Dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở hơn 20 tỉnh- thành trên cả nước, khiến người tiêu dùng lo sợ, giá các sản phẩm gia cầm liên tục giảm.
Dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở hơn 20 tỉnh- thành trên cả nước, khiến người tiêu dùng lo sợ, giá các sản phẩm gia cầm liên tục giảm.
Tại nhiều chợ, tình trạng giá giảm, sức mua giảm đã ảnh hưởng không nhỏ tới người sản xuất và kinh doanh gia cầm.
Tại Vĩnh Long, tuy các ổ dịch cúm gia cầm trong tầm kiểm soát nhưng sức mua giảm khiến giá gia cầm tại nhiều chợ tuột dốc, các sạp hàng bán trứng gia cầm cũng rất vắng khách mua. Song, các trại chăn nuôi gia cầm có lẽ là buồn lòng nhất, khi “nuôi thì khổ mà bán thì không ai mua”...
Còn nhớ, cách đây mấy năm, dịch cúm gia cầm đã từng làm người chăn nuôi khốn đốn. Đúng như ai đó nói: “Gà không chết vì dịch, mà đang chết dần trong ý thức của người tiêu dùng”.
Trước diễn biến của thị trường và sản xuất, Cục Chăn nuôi khuyến cáo các địa phương cần định hướng cho người tiêu dùng bình tĩnh, không nên hoang mang, không nên tẩy chay các sản phẩm gia cầm. Theo đó, người dân hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch thú y và chế biến đúng cách, không nên ăn tiết canh.
Dự báo, trong thời gian tới, cung cầu về gia cầm, sản phẩm gia cầm có thể sẽ xảy ra sự mất cân đối do người chăn nuôi không dám tái đàn vì lo dịch bệnh.
Giữa thời điểm dịch cúm gia cầm đang làm người tiêu dùng hoang mang này, chợt nghĩ, người có trách nhiệm không thể yên lặng đứng nhìn nỗi nhọc nhằn mà người chăn nuôi đang gánh trên vai.
Nghĩa là không chỉ lo tiêm phòng, chống dịch trên đàn gia cầm, mà cơ quan chức năng cần lên tiếng, cần có động thái để người dân tin tưởng, không đánh đồng thịt gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ với thịt gia cầm sạch, không “tẩy chay” thịt gia cầm.
Không chỉ phòng với chống mà cần biện pháp cụ thể, quyết liệt để “cứu” đàn gia cầm, cứu người chăn nuôi!
AN ĐIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin