Hơn 3 thập kỷ trước đây Liên Hợp Quốc lựa chọn một ngày trong tháng 3 hàng năm làm ngày Quốc tế người tiêu dùng với mục đích giúp người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Hơn 3 thập kỷ trước đây Liên Hợp Quốc lựa chọn một ngày trong tháng 3 hàng năm làm ngày Quốc tế người tiêu dùng với mục đích giúp người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Thời bao cấp, các cửa hàng, quốc doanh, hợp tác xã lấy khẩu hiệu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” làm một trong những tiêu chuẩn thi đua. Thực tế hàng hóa lèo tèo, người mua cầm giấy giới thiệu, tem phiếu vào cửa hàng ăn uống và “tự phục vụ” là chính.
Trong khi cơ chế thị trường, có câu “Khách hàng là thượng đế”. Nghe thấy êm tai nhưng càng lâu, câu nói ấy càng mang ý nghĩa… mỉa mai. Không ít khách hàng, người tiêu dùng là đối tượng để người ta lừa đảo. Gần đây có câu “Người tiêu dùng thông thái”, nhưng không phải “thượng đế” nào cũng biết cách đối phó với những thủ đoạn do gian thương đưa ra.
Mua sắm hàng hóa ở cửa hiệu sang trọng hay vỉa hè cũng vậy, ta luôn nơm nớp lo trước nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Nhưng sợ nhất là những thứ nuôi sống người không an toàn. Từ mớ rau, bó cải, trái dưa leo, mớ đậu đũa đến miếng thịt,…
Phải cần “thông thái” cỡ nào mới có thể nhận biết rau cải không có “tắm” thuốc trừ sâu hay miếng thịt không bơm nước hay dư lượng thuốc kháng sinh? Đã có không biết bao nhiêu vụ ngộ độc tập thể ở các nhà trường, bếp ăn xí nghiệp, đám cưới dẫn đến vào bệnh viện hàng loạt, thậm chí chết người.
Luật đã có rồi, Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã có rồi, cả một hệ thống bảo vệ người tiêu dùng đã có rồi. Thậm chí, hầu như năm nào tháng hành động vì người tiêu dùng cũng được phát động rầm rộ với những tuyên bố, quyết tâm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhưng rốt cuộc, những người vốn được coi là “thượng đế” và “thông thái” vẫn phải chấp nhận… “hên, xui”
AN ĐIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin