Cá đâu mất rồi?

07:01, 24/01/2014

Theo phong tục người Việt, hàng năm đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch là nhà nhà làm lễ cúng tiễn Táo quân về trời để… trình báo chuyện bếp núc và mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Đến giao thừa, Táo quân trở lại hạ giới tiếp tục công việc của mình.

Theo phong tục người Việt, hàng năm đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch là nhà nhà làm lễ cúng tiễn Táo quân về trời để… trình báo chuyện bếp núc và mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Đến giao thừa, Táo quân trở lại hạ giới tiếp tục công việc của mình.

Vì nghĩ Táo quân quanh nằm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện xảy ra, dù chuyện tốt hay chuyện dở nên người ta thường làm lễ tiễn đưa Táo quân chầu trời một cách long trọng với mong muốn “Thần Bếp” sẽ “phù hộ” cho gia đình mình được nhiều may mắn.

Người ta tin rằng, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, sau khi làm lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Phóng sinh cá chép ngày tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam .

Thật ra, chuyện cúng và thả cá chép để ông Táo làm phương tiện về chầu trời bao đời nay vẫn được duy trì như một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Song có gì đó chưa ổn khi nét đẹp ấy trở nên thái quá.

Nhiều người muốn “lấy lòng” Táo quân liền bỏ tiền ra mua cả rổ cá vàng, cá đỏ nhập từ nước ngoài để “hộ tống” Táo quân. Nhiều người thả cá xong, vứt luôn bao ny-lông xuống sông rạch, ao hồ…

Cũng giống như phóng sinh chim vậy. Mấy chú chim tội nghiệp đã bị cắt cánh nên vừa thả ra đã bị bắt lại bán cho người khác. Còn người ở trên bờ cứ “ném” cá chép xuống thì phía dưới lực lượng hôi cá bày “thiên la địa võng” vớt cá. Những chú cá lạ nước, không bơi đi đâu được, chỉ biết lội lòng vòng rồi vào lưới…

Phong tục tốt đẹp của người Việt bị lạm dụng, thái hóa, biến tướng. Trên trang mạng hôm qua, một bạn đọc “cảm thán”:

“Ông Táo cưỡi cá về trời

Không ngờ cá lại bị người thả câu

Ông Táo gãi gãi cái đầu

Cá ơi, cá hỡi, cá đâu mất rồi?

AN ĐIỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh