Bởi đó là... tết!

06:01, 23/01/2014

Tết cổ truyền của ta thực ra chỉ có 3 ngày với tên gốc là Nguyên đán, tức “sự khởi đầu của buổi sáng sớm”.

Tết cổ truyền của ta thực ra chỉ có 3 ngày với tên gốc là Nguyên đán, tức “sự khởi đầu của buổi sáng sớm”.

Bởi vậy, người xưa nói “ba ngày tết”, là nói số 3 cụ thể nên mới có lịch cụ thể: “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Cả năm đầu tắt mặt tối, chỉ đợi đến tết để… ăn, vậy nên cái từ ăn tết nó ám vào lịch sử ngôn ngữ cho đến giờ người ta vẫn còn dùng từ “ăn tết”, dù tết bây giờ không chỉ để ăn, hay nói chính xác rằng ăn bây giờ chỉ là thứ yếu.

Ở nông thôn, cái tục thăm nhau vẫn giữ và nó là sợi dây kéo tình làng nghĩa xóm, ràng buộc con người trong những mối quan hệ tốt đẹp vốn dĩ làm nên văn hóa Việt từ ngàn đời nay… Nhưng cái tục thăm nhau ngày tết mỗi nơi có thay đổi để thích nghi. Từ tết cha, tết mẹ, tết thầy, người ta dành tất cả ngày tết để đi thăm nhau, nhà nào cũng phải một hai ly, đến mệt phờ.

Như năm nay, được nghỉ đến chục ngày chứ không 3 ngày như trước. Và bây giờ người ta cũng không còn phải thon thót lo ký thịt, nồi bánh như trước. Bây giờ mối lo không cụ thể vào nồi gạo, bóp ví tiền, mà mối lo là làm sao… tiêu cho hết 10 ngày nghỉ một cách hợp lý.

Tết làm nên bản sắc Việt, chính nó duy trì văn hóa của dân tộc mà trong đó ý nghĩa nhất là việc luôn nhắc con người nhớ về tổ tiên và có lẽ nhờ thế mà giềng mối gia đình của người Việt bền chặt.

Song, có lúc nó cũng làm cho người hưởng thụ mệt mỏi. Không phải lo cái này thì phải lo cái kia, chả biết cái nào nhiều hơn cái nào. Tóm lại là bao giờ cũng phải lo, đời nào cũng
phải lo.

Tết, cuối cùng cũng vẫn vừa là niềm vui lại cũng có những nỗi lo. Bao giờ cũng thế, nó song hành. Và có khi vì thế mà nó mới là… tết...

AN ĐIỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh