Mục tiêu và áp lực

07:11, 13/11/2013

Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014; trong đó đặt ra mục tiêu GDP tăng khoảng 5,8%, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) khoảng 7%...

Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014; trong đó đặt ra mục tiêu GDP tăng khoảng 5,8%, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) khoảng 7%...

Trước đó, trong báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội năm 2013 và kế hoạch phát triển năm 2014 gửi tới Quốc hội, Chính phủ nhận định: “Năm 2014 sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao do tác động độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2013, dòng vốn được lưu thông trở lại…”

Bởi vậy, việc Quốc hội quyết nghị giữ cho lạm phát ở 7% trong năm tới sẽ là nhiệm vụ nặng nề. Bởi lạm phát đang phải chịu áp lực lớn từ việc điều chỉnh chính sách vĩ mô, nhất là khi tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, tăng tiền lương, giá điện, than và dịch vụ công.

Ai cũng hiểu, định hướng “tăng trưởng cao, lạm phát thấp” luôn là mục tiêu lý tưởng, nhưng trước mắt, trong ngắn hạn và trung hạn, rất khó có thể điều hành để đạt được cả 2 mục tiêu trên.

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, cần tránh nóng vội tăng trưởng nhanh. Nếu bằng mọi giá phải đạt được thì rất có thể chúng ta sẽ lại rơi vào vòng xoáy lạm phát cao, tăng trưởng thấp.

Thực tế cho thấy, dù chỉ số CPI ghi nhận mức tăng giá thấp nhưng gần đây giá cả đã có dấu hiệu tăng lên, nhất là nhóm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Kinh nghiệm những năm trước cho thấy, mỗi khi CPI mới có dấu hiệu đi xuống mà vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ, gia tăng đầu tư để thúc đẩy phục hồi thì lạm phát tăng lên.

Định hướng chính sách cho mô hình tăng trưởng kinh tế dài hạn được Quốc hội đặt ra là xác định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hợp lý, phát triển ổn định, hiệu quả và cạnh tranh; lựa chọn chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chất lượng làm chủ đạo. Quá trình chuyển đổi này được định hướng gắn với tái cơ cấu kinh tế, tài chính ngân hàng hay doanh nghiệp…

Bởi nên, việc tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp khó khăn như vừa qua có thể chỉ phải chấp nhận trong ngắn hạn để có một nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc về sau.

AN ĐIỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh