Những năm gần đây mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng có tới hơn 2 triệu thí sinh đăng ký dự thi trong khi chỉ tiêu các trường có hơn 640 ngàn.
Những năm gần đây mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng có tới hơn 2 triệu thí sinh đăng ký dự thi trong khi chỉ tiêu các trường có hơn 640 ngàn.
Điều này đồng nghĩa mỗi năm sẽ có khoảng 1,36 triệu học sinh buộc phải từ bỏ mục tiêu bước vào giảng đường đại học, cao đẳng. Có không ít thí sinh đã xác định ngay từ đầu “thi đại học một lần… cho biết”. Việc làm này vừa tốn thời gian, công sức của bản thân, vừa khiến gia đình nhọc công chăm sóc, tốn kém tiền của.
Có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về những trường hợp quyết tâm đi thi dù biết chắc sẽ trượt.
Mấy hôm nay trên các diễn đàn đang rất nóng với đề tài “Nên hay không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT?” Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tựu trung đều có chung quan điểm: Học sinh phải trải qua liên tiếp 2 kỳ thi quá căng thẳng, quá tốn kém cho gia đình, xã hội nhưng kết quả còn nhiều bất cập. Kỳ thi tốt nghiệp THPT càng ngày trở nên hình thức khi tỷ lệ đậu xấp xỉ 100%.
Bên cạnh, mỗi năm, có hàng triệu cử nhân ra trường nhưng không ít người phải thất nghiệp. Và không ít trong số đó đã buộc phải làm việc trái ngành, trái nghề với mức thu nhập không cao để mưu sinh vì họ không có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tuyển dụng vẫn thiếu trầm trọng công nhân lành nghề. Nếu muốn tuyển dụng, phần lớn các doanh nghiệp sẽ phải bỏ công sức, kinh phí, thời gian không nhỏ để đào tạo lại các cử nhân đã trải qua 3- 5 năm “mài đũng quần” ở giảng đường các trường cao đẳng, đại học.
Thiết nghĩ, nếu thí sinh biết nhìn lại học lực của chính mình, quyết định “làm thầy” hay “làm thợ” ngay từ năm cuối cấp THPT thì bản thân, gia đình và cả xã hội đã có thể tiết kiệm được những khoản chi lãng phí không hề nhỏ.
Lập nghiệp đâu hẳn phải qua cổng trường đại học!
AN ĐIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin