Trong ký ức của người dân ĐBSCL, “mùa nước nổi” là…“mùa vui”.
Trong ký ức của người dân ĐBSCL, “mùa nước nổi” là…“mùa vui”.
Nước có thể ngập bờ ranh, nhưng không ăn thua gì, bởi lúa đã hơn tháng tuổi. Tuy có mưa dầm nước dậy nhưng có khi lại tốt cho lúa. Mùa nước nổi, dễ kiếm tôm cá, lúa khỏi cần rải phân, cũng là mùa vui thời điểm nông nhàn…
Nhưng “mùa nước nổi” càng về sau là “thiên tai” và cực đoan. Lũ bất thường, xa dần với những quy luật trước đây; xâm nhập mặn ngày càng sâu vào nội đồng; thời tiết nóng- lạnh thất thường; áp thấp nhiệt đới gây mưa kéo dài;…
Chưa bao giờ thời tiết ở ĐBSCL lại cực đoan như năm nay là nhận định của nhiều nông dân và lãnh đạo ngành nông nghiệp trong vùng. Đã hơn một tháng qua, mưa lớn kéo dài kèm theo dông lốc đã làm nông dân ĐBSCL thiệt hại nặng nề về mùa màng, lốc xoáy, làm sập hàng trăm căn nhà, tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển ngày càng trầm trọng.
Nhiều nhà khoa học và lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL đều thừa nhận: Biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn ở thì tương lai mà đã và đang diễn ra... Và BĐKH đã được nói nhiều ở các hội thảo, trên phương tiện truyền thông… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người, trong đó có lãnh đạo một số địa phương chưa hiểu sâu về BĐKH. Một số cứ nghĩ đơn giản, thích nghi với BĐKH là xây đê, đập to, chạy dài ven biển là được. Song, các nhà khoa học lại băn khoăn việc xây đê, đập ven biển thì hệ thống rừng ngập mặn sẽ về đâu?
Trong bối cảnh BĐKH ngày càng khốc liệt, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, ĐBSCL đang chờ đợi tiếng nói phản biện của các nhà khoa học về các công trình đã và dự kiến sẽ xây dựng, cũng như các sáng kiến, mô hình để thích ứng với BĐKH.
AN ĐIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin