Chuyện buổi sáng hôm nay tuy là đề tài cũ nhưng luôn nóng. Đó là chuyện giá xăng dầu.
Chuyện buổi sáng hôm nay tuy là đề tài cũ nhưng luôn nóng. Đó là chuyện giá xăng dầu.
Có một thực tế rất… đau: Đó là người dân bây giờ không phải chờ đọc báo hay nghe đài đưa tin mới biết xăng dầu sắp tăng giá. Họ chỉ cần ra đường thấy cây xăng “mất điện, hết hàng, nghỉ sửa chữa…” là biết chuyện gì sắp xảy ra. Điệp khúc đã lặp đi lặp lại, như một sự thách thức đến các cơ quan quản lý nhà nước.
Chuyện cây xăng “găm” hàng đang diễn ra còn cho thấy một khía cạnh khác của vấn đề: Đó là chuyện bản thân cơ quan chức năng cũng không biết thực hư giá bán, không xác định nổi việc “bán” trên sổ sách và “bán” ngoài thị trường.
Điều đó cho thấy, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu khi cho rằng trong bối cảnh khó khăn, các đại lý xăng dầu và đầu mối phải cùng chia sẻ khó khăn, chia sẻ bớt lợi nhuận? Trong khi các đầu mối tiếp tục kêu lỗ, đại lý tố khan hàng- đe dọa những bất ổn của thị trường này- thì việc tiếp tục im lặng của cơ quan quản lý sẽ chỉ khiến cả thị trường luôn trong tâm trạng thấp thỏm. Và điều này đã lộ rõ sự lúng túng trong cách quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu hiện nay. Không thể trông chờ một cơ may để có thị trường xăng dầu ổn định và minh bạch, phải có những bước đi khoa học, phù hợp với thực tế thị trường trong nước khi xăng dầu là mặt hàng có tầm quan trọng đặc biệt trong nền kinh tế quốc dân.
Nhớ lại, vào thời điểm mới nhậm chức, tân Bộ trưởng Tài chính đã từng có phát biểu làm thỏa lòng người dân: “Hơn 10 năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu. Vì vậy quan điểm điều hành của Bộ Tài chính sẽ không thể vì 11 doanh nghiệp mà phải vì hơn 80 triệu dân”.
Nhắc lại điều này để có thể hy vọng rằng, Bộ Tài chính sẽ có quyết sách và điều hành giá xăng dầu một cách đúng đắn.
AN ĐIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin