Tựu trường và khai giảng

06:08, 16/08/2012

“Giao ban sáng đầu tuần” tại… quán cà phê xảy ra cuộc tranh luận khá “nảy lửa”. Đề tài bắt đầu từ khái niệm “tựu trường” và “khai giảng”.

“Giao ban sáng đầu tuần” tại… quán cà phê xảy ra cuộc tranh luận khá “nảy lửa”. Đề tài bắt đầu từ khái niệm “tựu trường” và “khai giảng”.

Có người nói: “Hôm nay “tựu trường”, tui mới đưa con vào ngày đầu tiên năm học!” Người khác cãi: Hôm nay “khai giảng”… Một người “lý luận”: Buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ hè là “khai giảng”. Người kia vặn: “Khai giảng” mà sao không làm lễ? Sao không có hồi trống khai trường?

Và chỉ khi anh nhà báo phụ trách mảng giáo dục đến thì mới hiểu rành mạch: Năm học mới bắt đầu từ ngày 13/8 gọi là ngày “tựu trường”- khác với ngày “khai giảng” đồng loạt trên toàn quốc vào ngày cố định 5/9 hàng năm.

Cuộc tranh luận đã có “kết luận” nhưng như vậy thì ngày nào là ngày đầu tiên “đánh dấu” năm học mới để tuổi học trò nhớ “kỷ niệm hoang mang của buổi… tựu trường”? Bởi, khi nề nếp dạy và học đã ổn định, những quyển vở học trò không còn mới tinh thì ngày 5/9, các trường đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới. Cũng cờ hoa, biểu ngữ, cũng diễn văn, cũng phát biểu rầm trời nhưng cái rạo rực, nôn nao của “nhân vật trung tâm” là học sinh thì không còn mấy.

Việc tổ chức giảng dạy “êm ru” trước 2- 3 tuần đã nhanh chóng “bình thường hóa” tâm trạng đợi chờ “ngày hội toàn dân đưa trẻ em đến trường” của học sinh, giáo viên và của cả phụ huynh.

Chỉ riêng khái niệm ngày “tựu trường” khác với ngày “khai giảng” cho thấy tư duy khá là lạ của nền giáo dục Việt Nam- cũng cho thấy một nền giáo dục ngổn ngang với nhiều điều bất cập.

AN ĐIỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh