Sáp nhập các tỉnh thành, đơn vị hành chính không chỉ mở ra không gian phát triển mới về kinh tế, xã hội mà còn là cơ hội để định vị, nâng tầm những giá trị văn hóa mang tính bản địa. Kết nối những không gian đa sắc với sự lan tỏa, giao thoa tạo thành bản sắc độc đáo có giá trị thương hiệu, khẳng định sức mạnh mềm của địa phương trong diện mạo mới.
![]() |
Tỉnh Vĩnh Long với nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái. |
Duy trì hiệu quả hoạt động ngành văn hóa
Bộ Văn hóa-TT-DL cho biết, thời gian qua, nêu cao tinh thần “Văn hóa là nền tảng- Thông tin là mạch dẫn- Thể thao là sức mạnh- Du lịch là nhịp cầu kết nối”, toàn ngành tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc; từ đó tiếp tục từng bước khẳng định quan điểm “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, ông Cao Quốc Dũng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL tỉnh, cho biết, sở nhanh chóng ổn định tổ chức, duy trì hiệu quả hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Bộ máy cơ bản hoàn thiện với tổng biên chế được giao là 782 người, trong đó có 655 công chức, viên chức. Bố trí trụ sở làm việc cho các phòng ban và đơn vị trực thuộc, đồng thời tiến hành sửa chữa, cải tạo để đảm bảo chỗ làm việc ổn định, không gián đoạn phục vụ người dân.
Theo đó, trong lĩnh vực văn hóa, sở sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Triển khai thực hiện Đề án Đờn ca tài tử giai đoạn II năm 2025. Tiếp tục tham mưu thực hiện các phần việc liên quan phim “Chuyện bên những tượng đài”; thực hiện phim về Thiếu tướng Lê Công Trường để thực hiện tập phim những vị tướng xứ dừa; triển khai và tổ chức các phần việc cho Cuộc thi viết văn bia Đường Hồ Chí Minh trên biển tại xã Thạnh Phong; lập hồ sơ đề nghị Di tích quốc gia đặc biệt đối với 2 địa điểm của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Đồng thời, hướng dẫn chuyên môn cho cấp xã; rà soát tất cả các kế hoạch, chương trình, văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu điều chỉnh, ban hành văn bản mới phù hợp.
Những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa như: Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định nội dung chi, mức chi Giải Văn học, nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long và các cuộc thi trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật do UBND tỉnh tổ chức; Nghị quyết quy định mức chi cho các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; quy định tiêu chuẩn, cách thức đánh giá, bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khóm, khu văn hóa”, “Xã, phường tiêu biểu”; quy định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ghi nhận tinh thần chủ động, vượt khó, giữ vững nhịp độ công việc sau sáp nhập của ngành văn hóa, thể thao, du lịch. Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, tháo gỡ những khó khăn về trụ sở, cơ sở vật chất để cán bộ, công chức viên chức an tâm công tác. Đề nghị ngành cần tập trung rà soát, sắp xếp nhân sự hợp lý, tránh chồng chéo, bảo đảm hoạt động hiệu quả, đúng trọng tâm, đúng chức năng sau sáp nhập.
Nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu du lịch
Khi địa giới hành chính mở rộng, mạng lưới di sản vật thể, phi vật thể đồ sộ hơn, đây chính là trữ lượng tài nguyên quý giá tạo nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch dựa trên chất liệu văn hóa, tạo điều kiện liên kết các điểm đến, hình thành những tour du lịch liên vùng đặc sắc, mang đến trải nghiệm đa dạng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL Nguyễn Thị Ngọc Dung, chia sẻ, trong không gian mới với nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch, quan trọng là phải tạo được sự nhận diện thương hiệu.
Trước mắt là hợp nhất hiệp hội du lịch ở 3 địa phương cũ, tạo slogan, ban hành tiêu chí du lịch xanh, gắn kết phát triển du lịch với chương xây dựng NTM để phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, phát huy liên kết vùng với các tỉnh thành trong khu vực và TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Đồng thời, tập trung truyền thông quảng bá trên nền tảng tích hợp ứng dụng du lịch thông minh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh, cần phải giữ gìn và phát huy, tránh làm ảnh hưởng đến đặc sản văn hóa của từng địa phương.
“Trước đây, khu vực nào đã làm tốt việc quảng bá thì nay phải tập trung phát triển để nâng tầm. Trên tinh thần không để mất đi mà phải điều chỉnh cho hợp lý về quy mô, đối tượng cho hiệu quả hơn, lan tỏa trên diện rộng. Phải tái định vị thương hiệu du lịch Vĩnh Long dựa trên bối cảnh mới. Cùng với học tập kinh nghiệm thực tiễn và các mô hình phát triển du lịch. Đẩy mạnh truyền thông trải nghiệm: sông nước miệt vườn, di tích lịch sử- văn hóa, làng nghề thủ công, trải nghiệm văn hóa đồng bào Khmer… Phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, du lịch thông minh: bản đồ thông tin điểm đến, dịch vụ, lịch sử vùng đất, trải nghiệm ảo…”- bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết.
![]() |
Giữ gìn và quảng bá rộng rãi đặc sản của từng địa phương. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Các di sản văn hóa phi vật thể là nguồn tài nguyên quý giá, phản ánh sâu sắc trí tuệ, lối sống, tâm hồn và sắc thái riêng của con người và vùng đất. Đây chính là niềm tự hào của người dân và động lực để địa phương ra sức bảo tồn, phát huy giá trị di sản, khai thác hợp lý trong phát triển du lịch, đồng thời lan tỏa và quảng bá di sản mang đậm bản sắc văn hóa đến với du khách.
Trong bối cảnh mới đòi hỏi mỗi địa phương xây dựng chiến lược văn hóa để phát huy tiềm năng, sức mạnh nhưng mỗi bước chuyển mới mẻ không làm nhòa đi bản sắc địa phương. Cần sự chung tay của ngành chức năng, doanh nghiệp và cả người dân để định hình và bảo tồn được thương hiệu mang trong mình hồn cốt văn hóa và niềm tự hào của mỗi vùng đất.
Ông Nguyễn Văn Hùng- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-TT-DL: Đề nghị ngành văn hóa tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành; quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Phát huy cách làm mới sáng tạo, từng bước khẳng định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đưa công nghiệp văn hóa phát triển theo hướng mới, hiện đại; ứng dụng khoa học công nghệ tạo nên những sản phẩm văn hóa hấp dẫn. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin