Cấp bách khắc phục các điểm sạt lở ven sông Hậu

15:04, 22/07/2025

Do ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài và triều cường dâng cao, tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn ven sông Hậu tại xã Phong Thạnh (tỉnh Vĩnh Long) bị sạt lở nhiều nơi. Dù đã được gia cố nhưng vẫn còn nguy cơ sạt lở sâu vào đường giao thông, khiến người dân lo lắng, bất an.

Đoàn công tác khảo sát và đánh giá mức độ nghiêm trọng của các điểm sạt lở tại xã Phong Thạnh.
Đoàn công tác khảo sát và đánh giá mức độ nghiêm trọng của các điểm sạt lở tại xã Phong Thạnh.

Nhiều đoạn sạt lở nguy hiểm

Theo UBND xã Phong Thạnh, tuyến đê bao kết hợp giao thông ven sông Hậu có chiều dài 7,5km, xây dựng năm 2021 và bàn giao đưa vào sử dụng năm 2023. Do ảnh hưởng mưa lớn kết hợp với triều cường làm sạt lở 12 vị trí (5 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 7 vị trí sạt lở nguy hiểm), với tổng chiều dài trên 350m, đe dọa đến nhiều diện tích đất vườn cây ăn trái và ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân.

Trong đó, nhiều đoạn sạt lở đáng chú ý như: tại phần đất hộ ông Lê Thanh Liêm, ấp Rạch Đùi, chiều dài sạt lở 10m (phía sông tới mặt đê, đặc biệt nguy hiểm), ảnh hưởng đến 7ha đất vườn của 9 hộ dân; sạt lở tại ấp Vàm Đình 30m (phía sông đến mặt đê, đặc biệt nguy hiểm), ảnh hưởng đến 50ha đất vườn của 45 hộ dân; sạt lở tại phần đất hộ ông Trịnh Thanh Nhàn 20m (phía sông tới mặt đê, đặc biệt nguy hiểm), ảnh hưởng đến 35ha đất vườn của 25 hộ dân; sạt lở tại phần đất hộ ông Lê Văn Miền (ấp Bà Bảy) 50m (phía sông tới chân đê, sạt lở nguy hiểm), ảnh hưởng đến 45ha đất vườn của 50 hộ dân…

Nhà gần điểm sạt lở, chú Nguyễn Văn Đấu (ấp Vàm Đình) cho biết: “Tuyến đường này cặp sông lớn, ghe tàu qua lại nhiều nên sóng thường xuyên đánh vào bờ khiến nền đất yếu, rồi lún, sau đó lở từ từ. Tôi và bà con ở đây rất lo, nhất là đã vào mùa mưa bão, triều cường sắp đến.

Mong ngành chức năng sớm có biện pháp khắc phục”. Chỉ tay vào vết nứt trên tuyến đường, bà Lương Thị Hồng Thu- Trưởng Ban nhân dân ấp Bà Bảy cho hay: “Tuyến sông này lớn, vào mùa này sóng đập rất mạnh vào bờ khiến chân đê mềm, khuyết hang ở dưới, qua thời gian hình thành bộng chân nên khi mưa, mùa nước nổi gây đất lở từng mảng. Đây là tuyến đường giao thông chính liên ấp, nên bà con mong sớm có biện pháp khắc phục”.

Bà Nguyễn Thị Nhiền- Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh cho biết: UBND xã đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với ban nhân dân các ấp tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đồng thời, chỉ đạo lực lượng xung kích phối hợp với người dân ra quân gia cố, khắc phục tạm thời các điểm sạt lở để đảm bảo an toàn hệ thống đê bao.

Bên cạnh đó, xã cũng kiến nghị ngành chức năng cấp trên xem xét hỗ trợ đầu tư gia cố, khắc phục các điểm sạt lở nguy hiểm để bảo vệ tuyến đê bao kết hợp với giao thông nông thôn ven sông Hậu, bảo vệ vườn cây ăn trái để người dân an tâm sinh hoạt, sản xuất.

Cấp bách khắc phục

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện tình hình sạt lở tuyến đê bao ven sông Hậu tại xã Phong Thạnh rất nguy hiểm, ngoài các vị trí địa phương báo, qua kết quả khảo sát một số vị trí có phát sinh thêm chiều dài sạt lở.

Ông Lê Quang Răng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho hay: Hiện tình hình sạt lở đê bao ven sông Hậu (xã Phong Thạnh) diễn ra rất phức tạp và nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất và tài sản của người dân trong khu vực.

Nhằm bảo vệ diện tích đất sản xuất, tài sản và ổn định đời sống của người dân trong khu vực, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất, trước mắt UBND xã Phong Thạnh cần chỉ đạo bộ phận chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình sạt lở, có giải pháp gia cố tạm thời các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND xã Phong Thạnh, đánh giá lại toàn bộ tình hình sạt lở, dự toán kinh phí khắc phục, tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ nguồn kinh phí khắc phục.

Khảo sát thực tế tại các điểm sạt lở, ông Nguyễn Quỳnh Thiện- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đánh giá mức độ nghiêm trọng của các điểm sạt lở.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với xã thực hiện các biện pháp gia cố, khắc phục. Đồng thời, yêu cầu địa phương tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình sạt lở, thực hiện gia cố tạm thời các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm theo phương châm “4 tại chỗ”, 3 sẵn sàng để không ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất, tài sản của người dân, cho đến khi các cơ quan chức năng thực hiện các công trình gia cố, khắc phục.

“Đoàn khảo sát có ý kiến thống nhất phương án trước mắt sẽ sử dụng nguồn kinh phí ứng phó thiên tai của tỉnh để bố trí cho xã khắc phục các điểm cấp bách. Trong khi chờ đợi lập kế hoạch để giao vốn xuống thì giao cho UBND xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, ban chỉ huy quân sự, công an xã vận động người dân gia cố, khắc phục, và áp dụng các giải pháp mềm như là kè mềm, trồng thêm cây và tuyên truyền cho người dân không được sử dụng phần đất hành lang bảo vệ đê bao để đảm bảo không ảnh hưởng đến đê bao trong tương lai”- ông Nguyễn Quỳnh Thiện chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Quỳnh Thiện cũng cho biết: Hiện tại nhiều nơi dọc sông Tiền, sông Hậu, sông Hàm Luông, các xã cù lao và đê bao ven biển xảy ra nhiều điểm sạt lở. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá lại toàn bộ các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Qua đó, có kế hoạch ứng phó kịp thời bằng giải pháp phi công trình và công trình nhằm đảm bảo an toàn về con người và tài sản của người dân.

Bài, ảnh: THẢO LY
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh