XÂY DỰNG VĂN HÓA, CON NGƯỜI NHÌN TỪ GIÁ TRỊ THỰC TIỄN:
Kỳ 3: Lan tỏa bài học lớn từ những điều bình dị

10:07, 21/05/2025

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa không phải là cái gì cao siêu, xa vời mà được thể hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, rất dung dị, dễ thấy, dễ hiểu và dễ làm theo. Và Bác chính là tấm gương văn hóa khiêm tốn, giản dị, chân tình, giàu tình yêu thương, trách nhiệm, yêu lao động... Mỗi người học tập và làm theo gương Bác theo cách của riêng mình nhưng họ đều hướng tới những điều tích cực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Ông Ngũ Văn Quang (bên trái) nguyện với lòng “còn sức khỏe sẽ còn vì dân mà góp công, góp sức”. 
Ông Ngũ Văn Quang (bên trái) nguyện với lòng “còn sức khỏe sẽ còn vì dân mà góp công, góp sức”. 

Sống trọn nghĩa, vẹn tình 

Đến ấp Bình Tịnh (xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít), chúng tôi được nghe người dân nơi đây kể về ông Ngũ Văn Quang- Phó Ban Nhân dân ấp Bình Tịnh. “Hễ khi dân cần là ông có mặt liền. Ở ấp này nhờ có ông mà tình làng nghĩa xóm khăng khít, chan hòa hơn”- cô Bé Chín ở ấp Bình Tịnh nói.

Được gặp gỡ, trò chuyện với ông Quang, mới thấy lời nhận xét ấy chẳng sai. Ông Quang năm nay tuổi đã gần 75. Ở độ tuổi này, lẽ ra phải nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, nhưng ông không chọn thế. Bởi theo ông, gắn bó với người dân, phục vụ địa phương xuất phát từ tâm niệm và do cái nghĩa, cái tình với bà con. Thêm nữa từ khi học Bác, ông đã nguyện với lòng “còn sức khỏe sẽ còn vì dân mà góp công, góp sức”.

Khi thì ông giúp bà con làm hồ sơ vay vốn phát triển kinh tế; khi thì đến tận nhà trao quà; khi thì động viên người dân đóng góp thực hiện các công trình dân sinh. Từ chính tâm huyết của ông, công trình cầu Gạch Trầu, tuyến đèn đường thắp sáng Nhà nước và Nhân dân cùng làm liên ấp Long Khánh- Bình Tịnh A... được dựng xây đã phục vụ đời sống người dân tốt hơn.

Ông chia sẻ: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Người luôn tâm niệm tình yêu thương con người là sự quan tâm, biết ơn, trân trọng, tin tưởng vào sức mạnh của con người, quyết tâm hành động để mang lại hạnh phúc, ấm no cho con người… Tôi đã, đang và sẽ làm những việc như thế”. 

Trò chuyện cùng những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo lời Bác mới thấy ở họ đều có chung tâm tư, tình cảm trong sáng, với mong muốn bằng việc làm của mình sẽ góp phần mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân và lan tỏa những giá trị cao đẹp trong xã hội. 

Qua tìm hiểu và học Bác, Đại đức Thích Thiện Tường- Trụ trì chùa Long An (xã Mỹ An, Mang Thít) tâm đắc nhất “ham muốn tột bậc lúc sinh thời của Bác”, đó là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Đại đức Thích Thiện Tường (bìa phải) mong muốn mọi người cùng nhau lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. 
Đại đức Thích Thiện Tường (bìa phải) mong muốn mọi người cùng nhau lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. 

Từ đó, Đại đức Thích Thiện Tường đã cùng nhà chùa thường xuyên chăm lo cho người dân. Từ việc trao học bổng, tập vở, xe đạp, đồng phục, tặng quà động viên tinh thần học tập của học sinh, đến sẻ chia với người dân có hoàn cảnh khó khăn, bằng những phần quà yêu thương vào các dịp lễ, Tết, gặp thiên tai hay lúc ngặt nghèo… góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân ái.

Đại đức Thích Thiện Tường cho hay, bản thân nhớ mãi câu của Bác: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Vì thế, ở địa phương, Đại đức đã kết hợp với tổ chức đoàn giáo dục thanh niên chậm tiến, những người lầm lỡ; tổ chức những chương trình rèn luyện, kỹ năng, lối sống cho thanh thiếu niên, giúp các em có tư duy tích cực hơn, trưởng thành hơn và có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội.

Cùng với đó là vận động đồng bào phật tử sống có tình nghĩa, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, giáo dục con cháu ngoan hiền, hiếu thảo; động viên các em học sinh tích cực tu dưỡng đạo đức, học tập nâng cao tri thức để phát triển tương lai…

“Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, tôi khuyên phật tử và các em học sinh cân nhắc lựa chọn đọc thông tin chính thống, bổ ích, chỉ sẻ chia những thông tin hay, đẹp và phù hợp với văn hóa dân tộc để không vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đó cũng là việc làm thiết thực để góp phần xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội”- Đại đức Thích Thiện Tường nói. 

Nêu cao tinh thần tự giác và trách nhiệm

“Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tư tưởng, đạo đức và phong cách sống. Mà ở đó, em luôn học Người ở tinh thần tự học, đoàn kết, trung thực và hơn hết là tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của học sinh”- bạn Nguyễn Trường Duy- học sinh lớp 12A1 Trường THPT Hựu Thành (huyện Trà Ôn) cho biết.

Và để làm được điều đó, Trường Duy đã tự đặt ra nguyên tắc “học là để biết rộng hiểu sâu, học đi đôi với hành”. 
Bên cạnh, chuẩn bị bài chu đáo ở nhà, vào giờ học, em luôn chăm chú lắng nghe lời thầy cô giảng bài, tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài; thường xuyên trao đổi với bạn bè và tham gia các cuộc thi.

Điều này không chỉ giúp em nâng cao kiến thức còn phát triển bản thân một cách toàn diện hơn. Kết quả, Trường Duy đã “rinh” về những thành tích nổi bật như: là học sinh xuất sắc trong 3 năm học qua, giải nhì cuộc thi học sinh giỏi “Giỏi toán trên máy tính cầm tay” cấp tỉnh, giải khuyến khích môn toán trong kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh... 

Bên cạnh học tập, Trường Duy còn trung thực, khiêm tốn, sẵn lòng giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp khó khăn. Nhất là chia sẻ kinh nghiệm cho những bạn học yếu, kém môn Toán. Nhờ vậy, mà kết quả học kỳ 2, môn Toán của lớp nhiều học sinh thi điểm cao hơn so với học kỳ trước.

Trường Duy chia sẻ: “Em học Bác từ chính những việc gần gũi trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải là làm theo phong trào. Trước hết, em thi đua học tập tốt để có kiến thức, kỹ năng để góp phần cống hiến cho xã hội mai sau. Tiếp theo, luôn rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, sống đẹp, sống lành mạnh, có kiến thức xã hội, có văn hóa. Em tin rằng, nếu mỗi người chúng ta đều học tập và làm theo tấm gương của Bác, đất nước ta sẽ ngày càng phát triển và phồn vinh hơn”.

Bạn Nguyễn Trường Duy (ngồi giữa) học Bác từ chính những việc gần gũi trong cuộc sống hàng.
Bạn Nguyễn Trường Duy (ngồi giữa) học Bác từ chính những việc gần gũi trong cuộc sống hàng.

Thời gian qua, chị Hoàng Thị Nga- Tổ trưởng Quản lý sản xuất Công ty TNHH Tỷ Xuân luôn xác định việc học tập và làm theo Bác là rất quan trọng để rèn luyện bản thân trở thành công nhân gương mẫu. Bởi qua quá trình học Bác, chị không chỉ ngày càng thực hiện tốt nhiệm vụ trực tiếp sản xuất mà còn trưởng thành, hoàn thiện hơn trong cách cư xử, giao tiếp với mọi người. 

Trò chuyện với chúng tôi, chị cho hay, trước đây chị còn suy nghĩ cá nhân, ích kỷ lắm, chị ít khi quan tâm, hỗ trợ người khác. Thế nhưng giờ đây đã khác rồi, noi theo gương Bác, chị đã ứng xử chan hòa, đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ khi bộ phận khác cần hỗ trợ.

Còn trong công việc, chị luôn chịu khó, kiên trì, nêu cao tinh thần trách nhiệm dù là việc lớn hay nhỏ. Không chỉ vậy, chị còn tích cực đề xuất sáng kiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Gần đây, cải tiến kệ để hàng hóa do chị đề xuất đã giúp công nhân thao tác nhanh hơn, năng suất mỗi ngày cao hơn, đặc biệt là bảo đảm sức khỏe cho công nhân. Và hiệu quả của nó đã được công ty công nhận, công nhân ủng hộ...

Chị cho rằng, bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì đều phải có tinh thần trách nhiệm. Chị luôn làm việc với phương châm “lao động sáng tạo, làm việc tận tâm và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng”. Nhờ vậy, từ xuất phát điểm là công nhân, chị đã trở thành cán bộ tập sự, trưởng ban, rồi đến tổ phó, tổ trưởng như hiện tại. Điều đó không chỉ khẳng định sự nỗ lực của bản thân, mà đồng nghĩa chị phải cố gắng nhiều hơn trong thời gian tới.

Chị cười tươi: “Là tổ trưởng quản lý hơn 200 công nhân, mỗi người mỗi tính, mình phải sâu sát, hiểu rõ tính cách của từng người để có cách ứng xử phù hợp. Thêm vào đó, học tập Bác, tôi luôn ứng xử mềm dẻo, có lý, có tình, không thiên vị, hài hòa... đã tạo được sự tin tưởng, đoàn kết của công nhân cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ lao động, sản xuất”.

Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Bác được tỏa sáng trong từng việc làm, cử chỉ, từng mối quan tâm, ứng xử với mọi người... Tất cả ở Bác đã trở thành một hệ thống những giá trị văn hóa cao quý, trường tồn mà bất cứ ai cũng có thể học tập và làm theo để hoàn thiện nhân cách, làm người “chân, thiện, mỹ”.

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN 
(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh