Miễn học phí- một chính sách nhân văn

23:05, 22/05/2025

Chiều ngày 22/5, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã nhiều ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.  

* Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang- một quyết sách nhân văn, cấp thiết và mang tính chiến lược

 

Dự thảo Nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Dự thảo Nghị quyết liên quan đến miễn, hỗ trợ học phí – một nội dung có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm chính trị và xã hội to lớn của Nhà nước đối với thế hệ trẻ và tương lai của đất nước, nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo, bảo đảm nghị quyết khi được ban hành sẽ đi vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất, tôi xin tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

* Về sự cần thiết và ý nghĩa chiến lược của chính sách miễn, hỗ trợ học phí

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là quyền cơ bản của con người đã được Hiến pháp Việt Nam và nhiều công ước quốc tế khẳng định. Trong suốt nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, ưu tiên cho giáo dục, với nhiều chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức hỗ trợ còn phân tán, chưa đồng bộ, và chưa đủ mạnh để bảo đảm quyền học tập thực chất cho mọi đối tượng.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình – nhất là các hộ cận nghèo, lao động tự do ở đô thị, công nhân nhập cư, đồng bào dân tộc thiểu số – vẫn phải chật vật để con em được đi học đầy đủ. Học phí tuy không cao, nhưng cộng với các chi phí học tập khác lại trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến khả năng duy trì học tập, đặc biệt ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí là một quyết sách nhân văn, cấp thiết và mang tính chiến lược. Điều này không chỉ hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn là bước đi quan trọng trong lộ trình tiến tới phổ cập giáo dục toàn diện, bình đẳng và chất lượng cao – đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

* Một số điểm đánh giá cao trong Dự thảo Nghị quyết

Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, chúng ta có thể thấy rõ tính tích cực và sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy chính sách:

Thứ nhất, dự thảo đã xác định rõ nguyên tắc không để bất kỳ học sinh nào bị bỏ lại phía sau vì lý do tài chính, phù hợp với tinh thần phát triển toàn diện con người Việt Nam.

Thứ hai, nghị quyết mở rộng phạm vi thụ hưởng đến toàn bộ người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, tạo điều kiện công bằng giữa các vùng miền, loại hình trường công- tư.

Thứ ba, dự thảo có đề cập đến cơ chế cấp bù ngân sách cho các cơ sở giáo dục, thể hiện sự quan tâm đến tính khả thi và bền vững của chính sách.

* Một số góp ý, kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo

1. Về phạm vi đối tượng được miễn và hỗ trợ

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như dự thảo Nghị quyết là cơ bản phù hợp. Tuy nhiên, tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để chính sách của Nghị quyết bao phủ các đối tượng thụ hưởng đặc thù, nhất là đối tượng trẻ em mầm non từ 3 đến 4 tuổi ở vùng khó khăn, vì đây là giai đoạn vàng của phát triển trí tuệ và nhân cách; gắn với xem xét thực hiện đồng bộ các chính sách giáo dục cho học sinh học tại các cơ sở ngoài công lập thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, khuyết tật – nhằm đảm bảo bình đẳng trong thụ hưởng chính sách, tránh phân biệt theo loại hình trường; dành sự quan tâm đặc biệt hơn đến học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ mồ côi, con hộ nghèo thành thị không thuộc diện “vùng khó”, nhưng có nhu cầu cấp thiết.

2. Về mức hỗ trợ và tính thực chất của chính sách

Miễn học phí không có nghĩa là học sinh không còn phải chi tiền. Trên thực tế, nhiều trường hiện nay có thêm nhiều khoản thu như tiền đồng phục, tiền học thêm, kỹ năng mềm, bán trú… Nếu không kiểm soát, chính sách miễn học phí có thể bị “loãng” về hiệu quả.

Do đó, tôi đề nghị:

Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ các khoản thu ngoài học phí, công khai, minh bạch và có sự giám sát của phụ huynh, HĐND các cấp, tránh tình trạng “miễn học phí nhưng tăng thu khác”. Thiết lập đường dây nóng, cổng thông tin phản ánh vi phạm chính sách để nhân dân giám sát.

Có thể xem xét gói hỗ trợ toàn diện bao gồm học phí và một phần chi phí học tập như sách giáo khoa, thiết bị học tập thiết yếu đối với học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn.

Chính sách cần kết hợp chặt chẽ với các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để tạo hiệu ứng đồng bộ.

3. Về cơ chế thực hiện, nguồn lực và giám sát

Chính sách tốt nhưng nếu thiếu nguồn lực và cơ chế vận hành hiệu quả thì sẽ rất khó đi vào cuộc sống. Vì vậy:

Cần phân định rõ trách nhiệm chi giữa ngân sách Trung ương và địa phương, đặc biệt đối với các tỉnh chưa cân đối được ngân sách, không để tình trạng “quyết tâm chính trị cao nhưng thiếu nguồn lực thực hiện, tránh tình trạng chậm cấp bù gây khó khăn cho cơ sở giáo dục.

Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND, MTTQ và các tổ chức xã hội để đảm bảo minh bạch, đúng đối tượng và không trục lợi chính sách.

Ngoài ra theo tôi cần nghiên cứu:  

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đối tượng thụ hưởng giáo dục, ứng dụng công nghệ số, kết nối đồng bộ với các hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư, an sinh xã hội để xác định đúng – đủ đối tượng hỗ trợ, nhất là những trường hợp khó xác định nơi cư trú (con công nhân di cư, hộ chưa đăng ký thường trú, học sinh khuyết tật…).

- Miễn học phí thực hiện đồng bộ với nâng cao chất lượng giáo dục, tăng đầu tư cho cơ sở vật chất giáo dục vùng khó khăn, có chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên tại điểm trường xa, lớp ghép, nơi thiếu nhân lực, bởi miễn học phí là chưa đủ nếu giáo viên vẫn thiếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, học tập vẫn thiếu thốn, chất lượng không bảo đảm.

- Lãnh đạo các cấp, các ngành tăng cường truyền thông, giải thích rõ ý nghĩa và phạm vi của chính sách để người dân hiểu, đồng thuận, giám sát. Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đồng hành với Nhà nước trong việc hỗ trợ học sinh thông qua các quỹ học bổng, chương trình học tập cho học sinh khó khăn, góp phần giảm chi phí giáo dục cho gia đình.

Tóm lại, việc ban hành Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí lần này chính là lời cam kết của Quốc hội, của Nhà nước với thế hệ tương lai, đảm bảo: Mỗi đứa trẻ, mỗi học sinh Việt Nam – dù ở thành thị hay nông thôn, dù giàu hay nghèo – đều có quyền tiếp cận tri thức một cách công bằng, đầy đủ và không bị cản trở bởi rào cản tài chính.

Chính sách này không chỉ làm nhẹ đi gánh lo cho hàng triệu gia đình, không chỉ giúp cho hơn 23,2 triệu học sinh từ mầm non đến phổ thông được miễn học phí từ tháng 9/2025, mà còn tiếp thêm niềm tin cho cả xã hội vào một nền giáo dục nhân văn và tạo ra sự chuyển biến thực sự cho giáo dục nước nhà.

* Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh- chính sách thể hiện tầm nhìn kiến tạo tương lai, tư tưởng nhân văn vì con người

 

Cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và đồng thuận với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như miễn học phí cho học sinh từ giáo dục mầm non đến hết bậc THPT. 

Quyết sách của Bộ Chính trị về miễn học phí cho học sinh từ mầm non tới THPT không chỉ mang lại niềm vui cho hàng triệu gia đình mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực giáo dục.

Miễn học phí là bám sát xu hướng phát triển của thời đại, thể hiện tầm nhìn kiến tạo tương lai, tư tưởng nhân văn vì con người của những người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Một chủ trương phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức và một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo quyền được giáo dục cơ bản cho mọi trẻ em.

Theo thống kê, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh (chưa bao gồm học sinh học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên), trong đó: 3,1 triệu học sinh mầm non dưới 5 tuổi; 1,7 triệu học sinh mầm non 5 tuổi; 8,9 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh THCS và 3 triệu học sinh THPT.

Vì vậy, chủ trương này giúp giảm gánh nặng tài chính cho từng gia đình, góp phần nâng cao tỷ lệ đi học và giảm thiểu tình trạng bỏ học do khó khăn kinh tế. Đây là một bước đi đúng hướng nhằm hiện thực hóa mục tiêu phổ cập giáo dục phổ thông và đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 198, trong đó thống nhất chuyển nguồn 6.623 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ còn lại sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo phê duyệt của các cấp có thẩm quyền (ngoài chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động).

Tôi tin rằng, chính sách này sẽ có những tác động tích cực đến chất lượng giáo dục nói chung, đặc biệt sẽ nâng cao chất lượng giáo dục ở những địa bàn còn nhiều khó khăn về kinh tế xã hội.

Trong thời gian tới, tôi đề nghị:

1. Để chính sách phát huy hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực tài chính, đảm bảo chất lượng giáo dục không bị ảnh hưởng khi nguồn thu học phí không còn. Đồng thời, việc phân bổ ngân sách cần hợp lý để các trường công lập tiếp tục nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, và chế độ đãi ngộ cho giáo viên.

2. Các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ các quy định liên quan đến chính sách hỗ trợ phù hợp khác bên cạnh việc miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến phổ thông như: hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học, nâng mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho học sinh phổ thông lên 50% và có lộ trình hỗ trợ 100%.

Việc hướng đến hỗ trợ y tế, giáo dục cho nhân dân ngày một tốt hơn là mục tiêu đúng đắn và tiến bộ. Đây là một chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh khó khăn; thu hẹp khoảng cách vùng miền, tạo điều kiện cho trẻ em nghèo, cận nghèo, trẻ em yếu thế, khó khăn được học tập và chăm sóc tốt hơn, góp phần giảm chênh lệch phát triển giữa các vùng, đảm bảo công bằng xã hội.

Chính sách miễn viện phí giúp học sinh được tiếp cận y tế kịp thời, phòng tránh bệnh tật, tăng tỷ lệ trẻ em khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Tăng tỉ lệ huy động trẻ đến trường (hỗ trợ bữa ăn trưa khuyến khích học sinh đến lớp đều đặn; nếu con em được miễn viện phí, phụ huynh càng an tâm gửi gắm con đến trường). Thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với thế hệ tương lai của đất nước.

* Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình- thể hiện rõ cam kết của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền được học tập của mọi công dân

 

Tôi rất vui vì hôm nay được phát biểu với nội dung liên quan đến việc hoàn thiện thể chế về miễn, giảm, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân; Về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.  

Chúng ta biết rằng, giáo dục là nền tảng phát triển bền vững của quốc gia, và mọi chính sách liên quan đến giáo dục cần phải được xây dựng với tinh thần nhân văn sâu sắc, đồng thời bảo đảm hiệu quả, công bằng và khả thi trong thực tiễn.

Trong những năm qua, chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí đã được triển khai tương đối đồng bộ, theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục 2019, góp phần cụ thể hóa chủ trương bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người dân, đặc biệt là người yếu thế. Nay Quốc hội kịp thời ban hành 2 chính sách này đã thể hiện chính sách mang tính nhân văn sâu sắc.

Chính sách này thể hiện rõ cam kết của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền được học tập của mọi công dân, nhất là trẻ em, học sinh ở các vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng yếu thế. Qua đó, góp phần hiện thực hóa các nguyên lý giáo dục của nước ta là “giáo dục vì con người, phục vụ nhân dân”.

Thứ hai, chính sách góp phần thúc đẩy công bằng trong tiếp cận giáo dục. Việc phổ cập giáo dục mầm non, miễn, hỗ trợ chi phí học tập cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ giúp giảm tỷ lệ bỏ học, đặc biệt ở cấp THCS và THPT. Như vậy, khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn dần được thu hẹp.

Thứ ba, chính sách phổ cập giáo dục mầm non, miễn, hỗ trợ học phí làm giảm gánh nặng tài chính cho hàng triệu gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn hiện nay.   Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay còn nhiều biến động, khó khăn, việc phổ cập giáo dục mầm non, miễn, hỗ trợ học phí là giải pháp kịp thời và thiết thực, giúp người dân ổn định đời sống, yên tâm cho con em đến trường.

Thứ tư, chính sách góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến lớp, duy trì sĩ số học sinh. Đặc biệt, trong giáo dục mầm non và phổ thông vùng khó khăn, chính sách miễn, hỗ trợ học phí là đòn bẩy quan trọng giúp nâng cao tỷ lệ trẻ đến lớp và duy trì sĩ số ở các cấp học.

Thứ năm, tạo niềm tin xã hội vào hệ thống giáo dục. Chính sách thể hiện vai trò chủ đạo của Nhà nước trong giáo dục, qua đó tăng cường sự gắn kết giữa người dân và hệ thống giáo dục quốc dân.

Thứ sáu, góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Tạo điều kiện cho học sinh có năng lực, hoàn cảnh khó khăn được học tập liên tục, từ đó góp phần nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nhân lực quốc gia. Gắn kết giữa chính sách an sinh xã hội với mục tiêu chiến lược về phát triển bền vững.

Chính sách miễn, hỗ trợ học phí, phổ cập giáo dục mầm non không chỉ là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục quốc dân, mà còn là biểu hiện cụ thể cho sự đồng hành của Đảng, Nhà nước với người dân trong quá trình xây dựng xã hội học tập, công bằng và văn minh. Việc hoàn thiện thể chế về lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới của đất nước.

B.THANH-Đ.THI (ghi)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh