Không có vùng cấm trong xử lý hàng giả

07:53, 27/05/2025

Ngày 15/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 65/CĐ-TTg về mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Ngày 17/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Người đứng đầu ngành y tế- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã khẳng định quan điểm của bộ về xử lý hàng giả trong lĩnh vực y tế là phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...

Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thuốc, sữa, thực phẩm chức năng. Ảnh: THÚY QUYÊN
Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thuốc, sữa, thực phẩm chức năng. Ảnh: THÚY QUYÊN

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt

Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn diễn biến phức tạp, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và lòng tin của Nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 65/CĐ-TTg khẳng định mục tiêu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân góp phần phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững…

Trong khi đó, Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Mục tiêu là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho Nhân dân, góp phần phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là công việc rất quan trọng, mang tính lâu dài, cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương, MTTQ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là Nhân dân.

Nhân dân phải là trung tâm bảo vệ, là chủ thể cùng đấu tranh, phải huy động sức mạnh từ Nhân dân để tạo thành phong trào; chính quyền cơ sở là nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu công tác này cần phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”…

UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Riêng Sở Y tế, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực quản lý theo Công điện số 65/CĐ-TTg và Chỉ thị số 13/CT-TTg, thành lập đoàn kiểm tra về công tác này. 

Xử lý nghiêm, không có vùng cấm

Theo báo cáo, từ năm 2020 đến tháng 5/2025, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại trên 400 cơ sở thực phẩm, xử lý 198 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt 23,76 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và dược liệu, trong năm 2024, các đơn vị tổ chức nhiều đợt kiểm tra chuyên đề, Bộ Y tế đã ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 2,5 tỷ đồng. Bộ Y tế cũng đẩy mạnh phối hợp liên ngành, ký Quy chế phối hợp với Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu và xử lý các vụ án liên quan đến thuốc giả. 

Liên quan đến các vụ án về sữa giả, thuốc giả và thực phẩm chức năng giả bị công an phát hiện thời quan qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, dược, thực phẩm chức năng là thị trường có lợi nhuận cao, dễ bị lợi dụng bởi các đối tượng làm ăn phi pháp.

Nhiều hành vi vi phạm đã qua mặt cơ quan chức năng nhờ khai thác kẽ hở pháp luật hoặc những bất cập trong thực tiễn. Hơn nữa, trong bối cảnh thương mại điện tử, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, việc quản lý các sản phẩm y tế càng trở nên phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sức khỏe và tính mạng người dân.

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc vi phạm thời gian qua là việc tổ chức hậu kiểm tại địa phương chưa được đồng bộ và nghiêm túc. Nhiều sản phẩm sau khi lưu thông ra thị trường không được kiểm tra, giám sát đầy đủ. “Với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, nhưng thời gian qua, nhiều mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ sau khi lưu thông ra thị trường”- bà Đào Hồng Lan chỉ rõ.

Trong khi đó, nhiều địa phương cho rằng, công tác hậu kiểm đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, trong khi các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả lại rất tinh vi. Bà Đào Hồng Lan chia sẻ, giờ người dân rất hoang mang, ra đường không biết mặt hàng nào được phép lưu hành, mặt hàng nào là hàng giả, hàng nhái. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, và doanh nghiệp rất quan trọng để giải quyết vấn đề căn cơ, nếu không sẽ khó cho quá trình thực hiện…

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh: THẢO TIÊN
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh: THẢO TIÊN

“Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là kiên quyết, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả trong lĩnh vực y tế. Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhấn mạnh và khẳng định Bộ Y tế sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có hành vi buông lỏng quản lý, tiếp tay hoặc bao che cho các hoạt động sai phạm”- bà Đào Hồng Lan cho biết. 

Trong tháng cao điểm từ ngày 15/5-15/6/2025, các cục chuyên môn của Bộ Y tế đồng loạt thành lập các tổ kiểm tra đột xuất để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế trên toàn quốc. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý an toàn thực phẩm, siết chặt quản lý hoạt động đăng ký, quảng cáo, lưu hành. Đặc biệt đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kiểm tra chặt chẽ việc công bố sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử; tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm sản xuất kinh doanh thuốc giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng giả, thiết bị y tế giả.

KHÁNH DUY
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh