Ngày 21/5, tham gia đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn không thể lường trước, việc tiếp tục ban hành chính sách này có thể xem là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra.
![]() |
Theo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT, Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng được áp dụng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT nhằm thể chế hóa mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Song, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Đối với người dân và doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh.
Giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu. Trong năm 2022, chính sách giảm thuế GTGT đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 51,4 ngàn tỷ đồng. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 19,8% so với năm 2021, góp phần quan trọng vào sự phục hồi và phát triển kinh tế.
Bước sang năm 2023, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế trong 6 tháng cuối năm đã giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm được khoảng 23,4 ngàn tỷ đồng. Nhờ vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2023 đã tăng 9,6% so với năm trước.
Trong năm 2024, tổng mức hỗ trợ từ chính sách giảm thuế GTGT đạt 49 ngàn tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP đạt 7,09%, lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,63%. Đồng thời, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng trưởng tích cực, với xuất siêu ước đạt 24,77 tỷ USD.
Trong hai tháng đầu năm 2025, số thuế GTGT được giảm theo chính sách ước tính khoảng 8,3 ngàn tỷ đồng. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.137,5 ngàn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu với giá trị ước đạt 1,47 tỷ USD.
Về tác động đến thu ngân sách nhà nước, báo cáo của Chính phủ cho biết, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121,74 ngàn tỷ đồng (trong đó 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 ngàn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 ngàn tỷ đồng). Đồng thời, cần đánh giá kỹ hơn về tác động đối với nguồn thu ngân sách nhà nước, bảo đảm việc thực hiện chính sách giảm thuế gắn với mục tiêu ổn định tài khóa trung hạn và an toàn nợ công, bảo đảm nhất quán với các chính sách thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt,…
Đóng góp thêm cho dự thảo nghị quyết, đề nghị: Một là, công tác thu ngân sách nhà nước được thực hiện quyết liệt với việc tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra và cải cách thủ tục hành chính. Chính phủ cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm như thu từ đất đai, chuyển nhượng bất động sản, thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số.
Hai là, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) để hỗ trợ người nộp thuế, quản lý nợ thuế và phân loại hồ sơ hoàn thuế; tăng cường việc mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong các ngành dịch vụ như ăn uống, nhà hàng, khách sạn theo chuỗi, kinh doanh xăng dầu, vàng cũng được chú trọng nhằm tăng cường thu nộp ngân sách.
Song song đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện điều hành chi ngân sách một cách chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Các khoản dự phòng, dự trữ và nguồn lực hợp pháp khác được huy động để chi cho công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cũng như các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, đảm bảo cân đối ngân sách ở tất cả các cấp.
B.THANH-Đ.THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin