Ngày 21/5, trong phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phong (tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy theo các kết luận mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, việc rà soát, đề xuất sửa đổi luật là cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống pháp luật.
![]() |
Tiếp tục góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đối với Luật MTTQ Việt Nam, đề nghị bổ sung khuyến khích và mở rộng kết nạp các tổ chức đại diện nghề nghiệp, hiệp hội ngành hàng, mạng lưới trí thức, tổ chức phi chính phủ hoạt động hợp pháp có uy tín, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, phản ánh ý kiến cử tri và người dân; đề nghị mở rộng phạm vi phối hợp cho phép mặt trận ký kết và thực hiện các chương trình phối hợp ở tầm khu vực và quốc tế.
Đối với Luật Công đoàn Việt Nam, cần tăng quyền tự chủ cho công đoàn cơ sở về tổ chức, nhân sự, tài chính; công khai, minh bạch và dân chủ hóa hoạt động công đoàn; đổi mới cơ chế tài chính công đoàn, chuyển từ lệ phí bắt buộc sang mô hình đóng góp tự nguyện kết hợp hỗ trợ ngân sách hoặc tài trợ minh bạch. Song song đó, bổ sung quy định về chuyển đổi số trong công đoàn, bao gồm việc ứng dụng nền tảng công nghệ vào điều hành, tập hợp, đào tạo, tham vấn, thương lượng, bảo vệ người lao động; tăng vai trò thực chất của công đoàn trong đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể và giải quyết tranh chấp lao động.
Đối với Luật Thanh niên, đề xuất cụ thể hóa chính sách phát triển thanh niên: Rà soát và bổ sung các chính sách về việc làm, khởi nghiệp, giáo dục kỹ năng số, thích ứng với biến đổi khí hậu cho thanh niên; tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành mang tính ràng buộc trách nhiệm rõ ràng hơn đối với từng cơ quan trong việc thực hiện chiến lược phát triển thanh niên; thúc đẩy vai trò thanh niên trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo- bổ sung nội dung phát triển nguồn nhân lực trẻ cho kinh tế số, khoa học công nghệ.
Đối với Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, cần bổ sung: Trong quá trình hoạt động, Ban Thanh tra nhân dân có quyền kiến nghị với thủ trưởng cơ quan, đơn vị và các tổ chức có liên quan về biện pháp khắc phục các hạn chế, bất cập phát hiện qua giám sát; nhà nước, chính quyền và công đoàn các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân; tăng cường tính chủ động, kế hoạch hóa và hiệu quả hoạt động giám sát tại cơ sở; đảm bảo hoạt động gắn với thực tiễn và có tính phản biện, kiến nghị cải thiện; nâng cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trước tập thể người lao động; góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, phòng ngừa vi phạm nội bộ.
B.THANH-Đ.THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin