Trong phiên thảo luận về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long) đồng tình cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật với các nội dung theo tờ trình.
![]() |
Trong phiên thảo luận về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long) đồng tình cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật với các nội dung theo tờ trình. |
Nên quy định xử phạt theo tỷ lệ giá trị hàng hóa vi phạm
Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 192: “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194, 195 của bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Về quan điểm tôi đồng tình nội dung này nhưng tôi xin có ý kiến như sau:
Trong nền kinh tế thị trường, sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán hàng gian, hàng giả vẫn diễn ra phổ biến, tinh vi và ngày càng phức tạp. Gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, xử lý các vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm “bẩn”, thực phẩm giả, kém chất lượng quy mô lớn ở Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An lên đến hàng 100 tấn... gây hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chuyên gia y tế cảnh báo, thực phẩm không đảm bảo an toàn để lại những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng, gây ra các bệnh mạn tính do nhiễm hóa chất, vi sinh vật gây bệnh. Điều này, khiến người tiêu dùng hoang mang, ngày càng mất lòng tin và gây ra nhiều hệ lụy khác.
Với mức phạt 200 triệu đến 2 tỷ đồng đối với sản xuất, buôn bán hàng giả tôi cho rằng sẽ không tương xứng với những giá trị hàng hóa vi phạm với số lượng lớn hàng 100 tấn như vụ việc vừa phát hiện ở Hà Nội. Các tổ chức kinh doanh lớn dễ dàng chấp nhận mức phạt để kinh doanh tiếp.
Khó khắc phục hậu quả đối với người tiêu dùng. Sẽ tái phạm nhiều và không khắc phục được vấn nạn hàng gian, hàng giả như hiện nay, hiện tại chưa có cơ chế phạt lũy tiến mạnh; trong khi hàng gian, hàng giả vẫn là vấn nạn gây nhức nhối cho xã hội. Để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và giữ gìn uy tín hàng hóa Việt Nam, cần có một hệ thống chế tài mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn, kết hợp giữa xử phạt tài chính, xử lý hình sự, và các biện pháp bổ sung khác để xử lý triệt để vấn nạn này.
Từ đó tôi đề xuất cụ thể như sau: Nên quy định xử phạt theo tỷ lệ giá trị hàng hóa vi phạm. Thay vì chỉ áp dụng mức tiền cố định, nên quy định phạt theo % giá trị lô hàng vi phạm, đề xuất phạt từ 50-100% tùy theo hành vi vi phạm mà có mức phạt hợp lý. Ngoài ra, tăng mạnh chế tài xử lý hình sự, mở rộng phạm vi truy cứu. Với hành vi tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả có tổ chức, gây thiệt hại lớn, cần truy cứu hình sự mạnh mẽ thay vì chỉ phạt hành chính.
Cân nhắc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh
Luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành, tôi quan tâm đến 3 nội dung như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); tội tham ô tài sản (Điều 353). Đối với 3 tội này tôi cho rằng không nên bỏ hình thức tử hình với lý do:
Lý do không nên bỏ hình phạt tử hình tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh do đó là hành vi đặc biệt nguy hiểm. Thuốc giả có thể gây chết người hàng loạt do điều trị không đúng thuốc, gây tốn kém tiền của của Nhân dân, phá hoại sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong các bệnh viện và cơ sở y tế.
Thuốc chữa bệnh là sản phẩm đặc biệt liên quan trực tiếp đến sự sống của con người. Làm giả thuốc đồng nghĩa với đánh đổi mạng sống người khác để trục lợi. Các hành vi này còn gây mất niềm tin vào hệ thống y tế, làm suy yếu năng lực điều trị. Đây là loại tội phạm có tổ chức chuyên nghiệp, thường thực hiện trong quy mô lớn, có đường dây. Do đó, việc duy trì án tử hình sẽ mang tính răn đe cao, khiến những người có ý định sản xuất, buôn bán thuốc giả phải dè chừng.
Lý do không nên bỏ hình phạt tử hình tội vận chuyển trái phép chất ma túy do tính chất đặc biệt nguy hiểm của tội phạm ma túy. Ma túy là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm nghiêm trọng khác như giết người cướp tài sản, bạo lực gia đình… Tội phạm ma túy, đặc biệt là vận chuyển trái phép chất ma túy, thường có tổ chức, quy mô lớn, có liên kết chặt chẽ với tội phạm quốc tế và gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Ma túy có tác động đối với xã hội như gây ra sự suy đồi đạo đức, hủy hoại sức khỏe thế hệ trẻ, đẩy nhiều người vào con đường nghiện ngập và phạm pháp, chi phí xã hội để ngăn chặn và xử lý hậu quả ma túy là cực kỳ lớn. Việt Nam vẫn là quốc gia có tình hình ma túy phức tạp nguy cơ trở thành điểm trung chuyển lớn, việc giữ tử hình là biện pháp quyết liệt để thể hiện thái độ không khoan nhượng với tội phạm ma túy.
Cân nhắc thận trọng việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản. Tội tham ô tài sản thường do người có chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, tức là tài sản của Nhân dân, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và xã hội. Nhiều vụ tham ô lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách quốc gia, làm suy giảm lòng tin của người dân vào bộ máy nhà nước và cán bộ công quyền.
Trong bối cảnh tham nhũng vẫn phức tạp và tinh vi thì hình phạt tử hình là mức răng đe cần thiết để tạo hiệu ứng phòng ngừa chung; việc bỏ tử hình có thể gửi đi thông điệp sai lầm rằng cán bộ tham ô lớn vẫn có thể “chuộc lỗi bằng tiền” . Việc duy trì án tử hình được coi là biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với loại tội phạm này.
Trong điều kiện hiện nay, theo tôi việc bỏ hình phạt tử hình đối với 3 tội trên là chưa phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam. Kiến nghị Quốc hội không bỏ hình phạt tử hình đối với 3 tội nêu trên nhằm duy trì tính nghiêm minh của pháp luật và bảo vệ hiệu quả lợi ích Nhà nước và công cộng.
B.THANH- Đ.THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin