Cần có những chính sách hiệu quả để thu hút và trọng dụng đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu

21:21, 14/05/2025

Trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN-ĐMST), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (tỉnh Vĩnh Long) đánh giá rất cao những đề xuất chính sách của cơ quan soạn thảo và xin tham gia một số ý kiến như sau:

 

Thứ nhất, về tên gọi của dự thảo luật. Tôi thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về tên gọi là Luật KHCN-ĐMST. KHCN-ĐMST cần được đặt chung trong một cấu trúc thống nhất, tạo nên sức mạnh cộng hưởng để đưa Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn trong kỷ nguyên mới. Điều này Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định KHCN-ĐMST là tài nguyên vô tận, là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh là con đường ngắn nhất để đạt mục tiêu góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước có thu nhập cao.

Thứ hai, về vấn đề tài chính tại mục 4, Điều 60 đến Điều 62. Tôi nhận thấy chủ yếu tập trung vào ngân sách nhà nước, đề nghị cần nâng mức chi cho KHCN-ĐMST từ 2% lên 3% vì điều này sẽ phù hợp và tương đồng với Nghị quyết số 57, đề nghị cần có cơ chế tài chính linh hoạt và đột phá giúp huy động và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả cho các hoạt động KHCN-ĐMST cũng như cần xác định các loại hình hỗ trợ mức ưu đãi hay các tiêu chí đánh giá phù hợp đối với chính sách thuế.

Về hoạt động KHCN-ĐMST tại Điều 66, dự thảo luật chỉ nêu chung về hỗ trợ lãi suất. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có khát vọng làm chủ, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khuyến khích trong một số lĩnh vực mới như AI, blockchain, công nghệ sinh học, triển khai gói tín dụng ưu đãi riêng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng nhà nước hay dành quỹ đất ưu tiên tại các khu công nghiệp cao cho startup thuê với giá ưu đãi. Song song đó, đề nghị mở rộng các mô hình Sandbox pháp lý toàn quốc cho phép thử nghiệm với Fintech, AI, nông nghiệp số, y tế số và gắn với mục tiêu net zero, đồng thời cần có cơ chế trao quyền cho Chính phủ tạm thời cho phép thí điểm những công nghệ, mô hình mới, chưa có luật điều chỉnh và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sau để nhằm nắm bắt cơ hội phát triển trong tương lai.

Thứ ba, đề nghị nghiên cứu cơ chế tài chính ưu đãi riêng cho các dự án đầu tư theo mô hình khu công nghiệp sinh thái vì hiện nay, theo Nghị định số 35 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, cơ chế quản lý khu công nghiệp sinh thái vẫn tương tự như khu công nghiệp thông thường. Điều này khiến cho việc thúc đẩy và phát triển mô hình mới gặp nhiều khó khăn để chuyển đổi thành công sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, các doanh nghiệp cần phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh để đầu tư vào thiết bị công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ với nguồn vốn hạn chế. Đây cũng là một trong những góp phần thể chế định hướng quan trọng trong Nghị quyết số 68 về khơi thông nguồn lực qua việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và các nguồn lực khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vấn đề thứ tư, về phát triển nguồn nhân lực. Vấn đề đào tạo sử dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực KHCN. Đề nghị cần có những chính sách cụ thể hơn và hiệu quả hơn nữa để thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu, đặc biệt là lực lượng đang công tác tại các tổ chức KHCN. Tập trung phần lớn nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao của cả nước như là miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các chuyên gia nước ngoài. Tăng cường hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nhân tài công tại công nghệ số và đây chính là những giải pháp để thể chế định hướng Nghị quyết 57, tạo lợi thế cho Việt Nam trong cạnh tranh nhân lực chất lượng cao.

B.THANH-Đ.THI (ghi)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh