Trà Ôn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ổn định và bền vững

06:58, 01/02/2025

(VLO) Huyện ủy và cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Trà Ôn luôn giữ vững đoàn kết thống nhất, chủ động, quyết liệt thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết năm 2024.

Những kết quả tích cực

Năm qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn: tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả nông sản thiếu ổn định (đặc biệt giá cam sành ở mức thấp), giá cả vật liệu xây dựng (chủ yếu cát san lấp mặt bằng), vật tư nông nghiệp (nhất là phân bón, thuốc BVTV) tăng cao... không chỉ gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, mà còn tác động đời sống người dân.

Ông Nguyễn Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn

 

Huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả nghị quyết của Huyện ủy về lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh; chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ xã Tân Mỹ, Trà Côn đạt chuẩn NTM; xã Vĩnh Xuân đạt NTM nâng cao; xã Xuân Hiệp đạt NTM kiểu mẫu; ấp Phú Sung (xã Phú Thành) đạt chuẩn ấp NTM kiểu mẫu.

Song song đó, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý giáo dục, chất lượng học sinh các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở, chất lượng công tác khám và điều trị bệnh cho Nhân dân; triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Một góc TT Trà Ôn.
Một góc TT Trà Ôn.

Tuy nhiên, toàn huyện đã nỗ lực phấn đấu để đạt được những kết quả khá tích cực trong các hoạt động của lĩnh vực kinh tế nông nghiệp này.

Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 10 tháng năm 2024 đạt hơn 6.174 tỷ đồng. Ước cả năm đạt hơn 10.770 tỷ đồng, đạt 113,5% nghị quyết, tăng 4,16% so với cùng kỳ.

Làng khóm Bưng Sẩm (xã Hòa Bình).
Làng khóm Bưng Sẩm (xã Hòa Bình).

Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 10.300 tỷ đồng, đạt gần 114% nghị quyết, tăng khoảng 4,43% so với cùng kỳ.

Kinh tế hợp tác tiếp tục duy trì ổn định và phát triển. Toàn huyện có 25 HTX (lĩnh vực nông nghiệp: 20; phi nông nghiệp: 5), với tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 18 tỷ đồng, tổng số thành viên trên 500 và 1.000 lao động, diện tích đất sản xuất gần 857ha.

Tương tự, với 67 tổ hợp tác (gồm 56 tổ hợp tác nông nghiệp; 11 tổ hợp tác phi nông nghiệp), loại hình này có hơn 1.700 thành viên, hơn 2.700 lao động, đang canh tác sản xuất trên diện tích gần 1.100ha.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 35 trang trại (gồm 29 trang trại chăn nuôi gà, 6 trang trại chăn nuôi heo) với tổng giá trị 47,2 tỷ đồng, lợi nhuận chung ước đạt 5,49 tỷ đồng/đợt. Với chăn nuôi gà, trung bình thả nuôi 3-5 đợt/năm; chăn nuôi heo trung bình thả nuôi 203 đợt/năm.

Theo huyện Trà Ôn, thời gian qua một số kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ cao như: diện tích đất nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ chiếm 0,61% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp; diện tích cây trồng có áp dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh chiếm 25,3%; ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch lúa đạt 100%; vùng sản xuất rau màu, cây ăn trái có áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm hoặc được cấp chứng nhận VietGAP, an toàn thực phẩm hơn 285ha...

Huyện đã đăng ký dự án xây dựng 1.000 ha lúa tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với vùng khóm Bưng Sẩm. Toàn huyện hiện có 9 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao; 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 4 sao.

Một tuyến đường đầy hoa ở TT Trà Ôn.
Một tuyến đường đầy hoa ở TT Trà Ôn.

Cùng với đó, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá. Về phát triển thương mại- dịch vụ, tổng số cơ sở hoạt động lĩnh vực thương mại- dịch vụ 6.152, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt hơn 4.691 tỷ đồng; ước cả năm đạt khoảng 5.664 tỷ đồng (đạt 88,9% nghị quyết), tăng 12,23% so cùng kỳ.

Về phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, huyện có 1.323 cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, với giá trị sản xuất 10 tháng đạt hơn 293 tỷ đồng; ước cả năm đạt hơn 357,5 tỷ đồng (đạt 102,4 nghị quyết), tăng 8,11% so cùng kỳ.

Phát triển các mô hình bền vững để nâng cao thu nhập

Lãnh đạo huyện Trà Ôn chia sẻ, trong sản xuất, làm ăn, người dân đã thể hiện tính năng động, và thống nhất cao khi thực hiện chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của huyện nhà.

Đơn cử như khi cam sành phát triển ồ ạt diện tích, giá cả “chựng” lại, người dân nhiều địa bàn đã tìm tòi, chuyển đổi sang trồng cam xoàn, quýt, ổi, khóm, dừa,... đến mở rộng quy mô trang trại trong chăn nuôi heo, gà, nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, “làm mới” để nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trong câu chuyện này, người dân cũng bằng kinh nghiệm về đất đai thổ nhưỡng, năng động học hỏi để hiểu biết về thị trường nhằm tối ưu nhất hoạt động canh tác sản xuất của mình, làm giàu cho chính mình, cho quê hương.

Thu hoạch cam sành ở xã Nhơn Bình. Toàn huyện có 10.389ha cam sành (đang cho hiệu quả kinh tế 7.102,4ha, cam tơ 2.290,8ha, còn lại cam già cỗi kém hiệu quả). Năm qua cam sành giá thấp, 5.600-5.700 đ/kg, lợi nhuận 5-10 triệu đồng/ha.
Thu hoạch cam sành ở xã Nhơn Bình. Toàn huyện có 10.389ha cam sành (đang cho hiệu quả kinh tế 7.102,4ha, cam tơ 2.290,8ha, còn lại cam già cỗi kém hiệu quả). Năm qua cam sành giá thấp, 5.600-5.700 đ/kg, lợi nhuận 5-10 triệu đồng/ha.

Giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2024 của Tỉnh ủy tại huyện Trà Ôn, ông Đặng Văn Chính- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý, về các mô hình nông nghiệp cần phát huy, phát triển các mô hình mang tính ổn định và bền vững hơn nữa, cũng là đáp ứng nhu cầu mong muốn của người dân địa phương trong phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập, phát triển đời sống, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

Ông Đặng Văn Chính gợi mở thêm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của huyện phải thực sự thực chất, đi sâu đi sát hơn nữa, nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả, đem lại kết quả tốt nhất. Đơn cử như nuôi con gì, trồng cây gì phải tính đến quy hoạch, thị trường tiêu thụ, giá trị kinh tế mang lại... để đạt được tính ổn định và bền vững.

Đa dạng rau màu và cây trồng. Trong ảnh: Một rẫy dưa leo ở xã Tân Mỹ.
Đa dạng rau màu và cây trồng. Trong ảnh: Một rẫy dưa leo ở xã Tân Mỹ.

Hay như các mô hình kinh tế nông nghiệp trồng khóm, dừa, cam, ổi; chăn nuôi heo, gà, cá... đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào như thế nào, môi trường, đầu ra, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ra sao, và làm sao để hạn chế thấp nhất điệp khúc “được mùa mất giá”...

Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân Trà Ôn đã thấy các nhiệm vụ này và từ đó cộng đồng hiệp lực để đưa ra những giải pháp căn cơ, giúp giải quyết các vấn đề đặt ra để hướng tới xây dựng, phát triển bền vững các mặt kinh tế- xã hội của huyện, đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh nhà trong thời gian tới.

Trao đổi về nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Nguyễn Văn Minh cho biết, Huyện ủy, UBND huyện sẽ tập trung chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ổn định và bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Trong đó, chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường.

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Chủ động thực hiện có hiệu quả các giải pháp ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạn, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông,...

Quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác sản xuất. Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc BVTV,... phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc BVTV,... phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: MINH THÁI - TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh