(VLO) Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xã Thuận An (TX Bình Minh) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích sản xuất lúa, tăng diện tích chuyên canh màu. Nhiều mô hình trồng rau màu ứng dụng công nghệ cao đã đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
![]() |
Xã Thuận An tiếp tục mở rộng phát triển vùng nguyên liệu xà lách xoong đạt tiêu chuẩn VietGAP. |
Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xã Thuận An (TX Bình Minh) tập trung quy hoạch, linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Trong đó, tập trung chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái... có giá trị kinh tế cao.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Trong đó, cây cải xà lách xoong và rau diếp cá- 2 loại cây đặc sản của xã- đã góp phần thuận lợi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích sản xuất lúa, tăng diện tích chuyên canh màu của xã.
Có 5 công trồng rau diếp cá được hơn 10 năm, anh Nguyễn Văn Phường (ấp Thuận Tiến C, xã Thuận An) cho hay: “Trước đây tôi trồng lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi chuyển qua trồng rau diếp cá, thổ nhưỡng thích hợp cộng với giá bán ổn định, loại rau này đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Nhờ chăm sóc tốt nên ruộng rau của tôi đạt năng suất cao, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 10 triệu đồng/công. Tôi cũng nâng cao ý thức sản xuất sạch hơn, sử dụng phân hữu cơ, ít sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, môi trường”.
Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành chức năng, địa phương xã cũng luôn quan tâm phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại như: mô tình tưới phun tự động, sử dụng phân hữu cơ, sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm đạt OCOP 4 sao đối với cây cải xà lách xoong khu vực ấp Thuận Thành nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Bên cạnh đó, thành lập mới HTX Rau an toàn Nắng Xanh sản xuất, tiêu thụ cải xà lách xoong, bước đầu hoạt động hiệu quả. Theo đó, vùng nguyên liệu xà lách xoong cũng đã đạt chứng nhận VietGAP 40,38ha. Sản phẩm cải xà lách xoong cũng đã đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Xã Thuận An định hướng phát triển vùng nguyên liệu xà lách xoong đạt tiêu chuẩn VietGAP thêm 25ha, vùng rau diếp cá đạt tiêu chuẩn VietGAP 25ha. Xây dựng sản phẩm xà lách xoong, rau diếp cá có nhãn hiệu hàng hóa gắn liền với sơ chế, đóng gói, 100% diện tích được cấp mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý và phấn đấu nâng hạng 5 sao sản phẩm OCOP cải xà lách xoong.
Có 3,5 công trồng xà lách xoong, chú Nguyễn Thành Hưng (ấp Thuận Thành, xã Thuận An) cho biết: “Tôi trồng xà lách xoong đã nhiều năm nay.
Nhờ địa phương tuyên truyền vận động tập huấn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, nên năng suất cao hơn so với trước kia. Bình quân cả năm thu hoạch khoảng 20 tấn cải xà lách xoong, giá cả ổn định nên thu nhập khoảng 450 triệu đồng, đời sống gia đình được cải thiện đáng kể”.
Ông Nguyễn Văn Xinh- Bí thư Đảng ủy xã Thuận An, cho biết: Thời gian qua, xã khai thác hiệu quả lợi thế về đất đai, phát triển diện tích cây màu, sản xuất áp dụng công nghệ cao, ứng dụng hữu cơ đối với cây cải xà lách xoong và rau diếp cá.
Xã cũng đã phối hợp ngành chuyên môn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân như tự động hóa trong khâu tưới, thu hoạch, hỗ trợ nông dân làm chủ quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu tiêu chuẩn khi ra thị trường tiêu thụ.
![]() |
Thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Trong đó, một trong những khâu đột phá của xã là phát triển hoàn thiện sản phẩm đặc sản cải xà lách xoong, rau diếp cá đạt các yêu cầu tiêu chuẩn khi ra thị trường gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm nông thôn; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm các cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số để nâng cao giá trị, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Nhiệm kỳ 2020-2025, xã Thuận An có 21,7ha chuyển đổi đất lúa sang chuyên canh màu, nâng tổng số đến nay có 554,8ha, năng suất bình quân 30 tấn/ha, tổng sản lượng cả nhiệm kỳ 66.576 tấn. Xã hiện có 1 mô hình tưới thông minh 10 hộ áp dụng cho cây cải xà lách xoong tại ấp Thuận Thành với diện tích 4,7ha, việc áp dụng tưới thông minh góp phần giúp nông dân tiết kiệm được nguồn nước, đảm bảo lượng nước tưới mùa nắng, đặc biệt là tiết kiệm khoảng 70% công lao động, trên 50% chi phí tiền điện, từ 20-30% lượng phân bón, góp phần bảo vệ môi trường, tăng năng suất và chất lượng. |
Bài, ảnh: YẾN LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin