Phỏng vấn: Nông dân, doanh nghiệp cùng vươn mình

06:00, 12/02/2025

(VLO) Năm 2024, mặc dù hứng chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai, đặc biệt cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão, thế nhưng ngành nông nghiệp (NN) vẫn tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu đạt con số kỷ lục 62,5 tỷ USD- mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong thời gian tới và riêng năm 2025, ngành NN sẽ làm gì để phát triển, đặc biệt đóng góp trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường? Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

Những năm gần đây, xuất khẩu gạo chất lượng cao của Việt Nam tăng mạnh. Trong ảnh: Nông dân huyện Tam Bình thu hoạch lúa Đông Xuân.
Những năm gần đây, xuất khẩu gạo chất lượng cao của Việt Nam tăng mạnh. Trong ảnh: Nông dân huyện Tam Bình thu hoạch lúa Đông Xuân.

* Thưa bộ trưởng, nông sản của Việt Nam ngày càng khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường thế giới. Vậy bộ trưởng có thể cho biết chiến lược và mục tiêu trong thời gian tới để đưa nông sản Việt Nam ngày càng vươn xa và phát huy cao hơn nữa giá trị kinh tế?

- Một thắng lợi lớn năm 2024 về xuất khẩu sản phẩm NN của Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, vẫn còn thấy tiềm ẩn những rủi ro về thị trường và tiềm ẩn những giá trị tiềm năng mà chúng ta chưa khai thác được hết.

Lẽ ra chúng ta có thể làm tốt hơn nếu chúng ta có một hệ sinh thái đầy đủ. Chúng ta phải chung tay đưa hình ảnh nông sản Việt Nam đi xa hơn nữa. Tôi từng cảnh báo giới truyền thông rằng đừng thấy chúng ta xuất khẩu 1 hay 2 chuyến hàng xuất khẩu được mà tưởng rằng chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường.

Chúng ta xuất khẩu được sầu riêng thành công thì Thái Lan cũng có thể làm được, Malaysia cũng có thể làm được… các sản phẩm khác cũng vậy. Chúng ta phải có cách nhìn mang tầm quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình, doanh nghiệp, thương hiệu nông sản Việt Nam chính là hình ảnh quốc gia với thế giới chứ không chỉ là lợi nhuận thuần túy.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng để thực hiện kỷ nguyên vươn mình thành công thì tất cả chúng ta phải vươn mình từ người nông dân, doanh nghiệp cũng phải vươn mình, chứ không riêng một ai hết.

Đó là câu chuyện của truyền thông để đánh động với mọi người rằng đừng quá tự hào, tự mãn một chuyến hàng, một kỷ lục xuất khẩu của một năm hay nói cách khác là “ngủ quên trên chiến thắng” mà không sẵn sàng thay đổi, thích ứng kịp thời mới có thể tiếp tục gặt hái thành công.

* Năm 2024, mặc dù ngành NN bị thiệt hại do bão số 3 rất lớn thế nhưng kết quả chúng ta đạt được vẫn vượt kế hoạch đề ra. Vậy bộ trưởng có thể chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý điều hành để chúng ta đạt kết quả như vậy?

- Cái đầu tiên chúng ta phải ghi nhận và trân quý những người nông dân lao động sản xuất trực tiếp trên đồng ruộng, kể cả những nông dân bị tổn thất do bão số 3 gây ra- những người trực tiếp làm ra kết quả đáng tự hào của ngành NN năm 2024 cũng như nhiều năm qua.

Dù có thắng lợi gì nếu không có bà con nông dân chúng ta cũng không thể làm được. Bộ Nông nghiệp-PTNT, hay các bộ, ngành chỉ là những người tạo ra sự kết nối trong công tác quản lý, hỗ trợ bà con nông dân thôi.

Nếu nói kinh nghiệm thì chính là sự năng động của các địa phương, đặc biệt có sự tham gia trực tiếp và tích cực của bà con nông dân. Điều đáng nói là nông dân của chúng ta đã dần thay đổi tư duy từ sản xuất NN thuần túy sang phát triển kinh tế NN.

Còn chính quyền địa phương hiện nay thì cũng hiểu được rằng không chỉ chỉ đạo sản xuất nữa mà phải hỗ trợ kết nối được thị trường tiêu thụ sản phẩm NN.

Đây mới là cái quan trọng trong NN. Ngày xưa chúng ta chỉ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ bà con lo tập trung sản xuất ra nhiều loại nông sản, tăng sản lượng hàng hóa mà chưa chú trọng đến thị trường.

Thứ hai nữa chúng ta đã bắt đầu hiểu ra rằng thị trường rất đa dạng, mỗi thị trường lại có thị hiếu, có những đòi hỏi về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật khác nhau.

Những thông tin từ Bộ Nông nghiệp-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao… chuyển về kịp thời cho các địa phương. Các địa phương thông tin đến với bà con nông dân. Rõ ràng tư duy sản xuất theo thị trường của bà con nông dân đã ngày càng tốt hơn so với trước đây.

Chúng ta đã dần định hình được thói quen sản xuất theo cái mà thị trường cần chứ không phải sản xuất và bán cái chúng ta có. Nhờ đó chúng ta mới có được kim ngạch xuất khẩu của ngành NN năm 2024 đạt con số ấn tượng kỷ lục 62,5 tỷ USD- mức cao nhất từ trước đến nay.

* Với kết quả sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng rất ngoạn ngục năm 2024, bộ trưởng có chia sẻ gì về niềm vui này?

- NN của chúng ta dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng theo tôi vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa. Vấn đề là chúng ta sẽ làm gì, làm như thế nào để “đánh thức” hết tiềm năng của ngành này. Đặc biệt chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền NN tuần hoàn.

Bởi vì hiện nay giá trị tuần hoàn chúng ta mới chỉ thực hiện sơ khai của NN tuần hoàn mà thôi. Lấy ví dụ mặt hàng gạo, hiện tại chúng ta mới chỉ sản xuất rồi bán gạo thôi, rơm rạ, trấu để sản xuất viên nén năng lượng (chất đốt), giá thể để sản xuất nấm, phân bón cũng chưa được nhiều. Chúng ta đừng chỉ nhìn vào giá trị xuất khẩu ở một loại nông sản nào đó mà quên đi những giá trị khác mà nông sản đó đem lại.

Ví dụ hạt cà phê chế biến rang xay để lấy nước uống còn bã cà phê chúng ta lại bỏ đi. Trong khi đó, người Trung Quốc họ lấy bã cà phê làm giá thể trồng nấm, thu hoạch nấm xong, lấy cái bỏ đi (rác từ trồng nấm) lại được chế biến thành thức ăn chăn nuôi, phân bón...

Đã đến lúc chúng ta phải có tư duy, suy nghĩ khác đi so với trước đây, NN cần phải thực hiện tuần hoàn thì mới phát huy được hết giá trị, hiệu quả kinh tế.

* Bộ trưởng vừa có nhắc đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phấn đấu đưa đất nước ta ngày càng giàu mạnh, hùng cường như lời đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu chỉ đạo. Vậy ngành NN sẽ phải làm gì, thưa bộ trưởng?

- Nếu nói mục tiêu tăng trưởng của ngành NN đến thời điểm này chúng ta đã vượt xa mục tiêu của cả nhiệm kỳ rồi, ví dụ đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả và trái cây (chủ yếu trái cây) 5 tỷ USD, thế nhưng đến năm 2024 xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 7,12 tỷ USD rồi. Nhưng bây giờ chúng phải định hình kế hoạch cho nhiệm kỳ tới phù hợp với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chúng ta có chấp nhận chỉ khai thác cái mình đang có không? Tại sao chúng ta không nghĩ mới, vươn xa hơn phạm vi lãnh thổ của đất nước ta là hợp tác với các quốc gia khác để sản xuất NN (trồng trọt, chăn nuôi) ở chính nước họ?

Gần nhất là Lào, Campuchia, xa hơn nữa là khu vực các nước châu Phi. Các nước này liên tục đặt vấn đề với Việt Nam trong việc hợp tác, hỗ trợ, giúp phát triển NN.

Tại sao chúng ta không hình thành đội tàu viễn dương để hợp tác với các quốc đảo ở Thái Bình Dương để khai thác thủy sản một cách hợp pháp? Họ cũng rất nhiều lần đặt vấn đề hợp tác với Việt Nam, tại sao chúng ta không làm? Ở đó nguồn thủy sản còn nhiều, họ mong muốn hợp tác với Việt Nam để khai thác.

Theo tôi, chúng ta thực hiện kỷ nguyên vươn mình thì chúng ta cũng cần phải tư duy, suy nghĩ vượt không gian lãnh thổ của chúng ta. Làm sao kết nối để tạo ra đa tầng giá trị hơn chứ chúng ta tư duy đơn ngành thì giá trị thấp thì chúng ta sẽ lỡ thời cơ.

Nếu chúng ta chậm một chân thì nước khác người ta sẽ đến đó, chúng ta có thể đánh mất cơ hội, đánh mất thị trường xuất khẩu của chúng ta chẳng hạn như khu vực châu Phi.

Bởi vì nếu chúng ta sản xuất ở đây rồi vận chuyển sản phẩm sang bên đó thì chi phí sẽ cao hơn. Khi có một quốc gia nào đó, người ta hợp tác với quốc gia ở khu vực châu Phi, họ trồng lúa, chăn nuôi, trồng cây ăn trái, trồng rừng ở đó rồi bán luôn tại đó (xuất khẩu tại chỗ).

Đây là vấn đề rất lớn, tôi đã báo cáo Hội đồng lý luận Trung ương và các đồng chí lãnh đạo cấp cao đồng thời đề xuất, kiến nghị đưa vào dự thảo báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Đại hội Đảng khóa tới.

* Xin trân trọng cảm ơn bộ trưởng!

HÀ VĨNH THÁI (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh