Điểm tin ngày 11/2: Bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

10:51, 11/02/2025

(VLO) Bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chính phủ yêu cầu từ 1/3/2025, các bộ ngành hoạt động theo tổ chức bộ máy mới; Cả nước có 158 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo…

*Bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Quy định số 231-QĐ/TW về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Quy định này đề cập nguyên tắc, nội dung bảo vệ, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong việc bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; quyền và trách nhiệm của người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; việc khen thưởng, xử lý vi phạm.

Theo quy định, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân được bảo vệ bí mật danh tính và các thông tin cá nhân khác; tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, vị trí công tác, việc làm; quyền và lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có quyền được biết về các biện pháp bảo vệ; quyền và nghĩa vụ khi được áp dụng biện pháp bảo vệ. Họ được đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ…

*Chính phủ yêu cầu từ 1/3/2025, các bộ ngành hoạt động theo tổ chức bộ máy mới

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025. Nghị quyết 27 nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, tập trung thực hiện và hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025.

Trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, bảo đảm tiến độ các công việc.

Tinh thần được quán triệt là không để hoạt động các bộ, cơ quan và UBND các địa phương bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc, nhất là các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo tổ chức bộ máy mới. Việc này phải hoàn thành trước 15/2, theo yêu cầu của Chính phủ, để bảo đảm bộ máy đi vào hoạt động từ 1/3.

Ảnh: Báo Đầu Tư.
Ảnh: Báo Đầu Tư.

*Cả nước có 158 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo

Theo Bộ Công thương, tính đến ngày 6/2/2025, cả nước có 158 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 39 thương nhân.

Cần Thơ với 34 thương nhân; Long An 20 thương nhân; An Giang 15 thương nhân; Đồng Tháp 14 thương nhân…Bạc Liêu, Bình Định, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Nghệ An, Thanh Hóa. có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo

Ảnh: SGGP.
Ảnh: SGGP.

*Kiến nghị nâng thời gian lái xe kinh doanh vận tải

Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ôtô do còn một số quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và nghị định, thông tư hướng dẫn.

Cụ thể, VATA kiến nghị điều chỉnh thời gian lái xe của người lái xe ôtô kinh doanh vận tải lên 70 giờ/tuần; chỉ xử phạt theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP đối với các hành vi vi phạm về vượt quá thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong ngày và thời gian lái xe trong tuần của người lái xe ôtô kinh doanh vận tải trên 10% thời gian quy định tại Điều 64 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Không xử phạt đối với cá nhân, doanh nghiệp vận tải là chủ phương tiện, trường hợp chủ phương tiện vận tải yêu cầu thời gian lái xe của người lái xe vượt quá thời gian làm việc theo quy định thì giữa chủ phương tiện vận tải và lái xe sẽ giải quyết bằng quy định nội bộ của doanh nghiệp…

*Mỗi năm gần 200 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Tỷ lệ và số người tham gia bảo hiểm y tế đã tăng nhanh. Tính đến nay, số người tham gia bảo hiểm y tế đã tăng 13,4 lần so với năm 1995, tương ứng với hơn 94,2% dân số. Mỗi năm, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam xử lý gần 200 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đã tăng nhanh qua các năm.

Số người tham gia Bảo hiểm xã hội đã tăng 8,9 lần so với năm 1995, đạt 42,71% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã thu hút khoảng 2,311 triệu người, vượt chỉ tiêu của Nghị quyết 28 của Đảng.

H.M

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh