Năm 2024 đánh dấu ảnh hưởng sâu rộng của thiên tai bất thường, nắng nóng, hạn hán, bão mạnh... xuất hiện ở nhiều nơi trong cả nước. Ở ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long), ghi nhận nắng nóng kỷ lục trong những tháng đầu năm, triều cường xấp xỉ mức lịch sử 2022... Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tình hình nguồn nước trong vùng này tiếp tục có những thuận lợi nhất định... kể cả được dự báo trong đầu năm 2025.
Tăng cường quan trắc, thông báo hỗ trợ cơ sở, người dân chủ động ứng phó xâm nhập mặn đầu mùa khô 2024-2025. Trong ảnh: Trạm thủy văn Mỹ Thuận. |
Cuối tháng 11/2024, Bộ TN-MT công bố kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Cửu Long (bao gồm 12 vùng quy hoạch, tương đương với 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL) trong mùa cạn năm 2024-2025 (từ 11/2024-5/2025).
Theo đó, dòng chảy từ Biển Hồ có khả năng cấp nước cho hạ lưu với tổng lượng nước khoảng 38,5 tỷ m3, xấp xỉ trung bình nhiều năm và thấp hơn mùa kiệt năm 2023-2024 khoảng 9%. Tổng lượng dòng chảy tại Kratie (Campuchia) đạt khoảng 86,1-88 tỷ m3, thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 6-8% và thấp hơn mùa cạn năm 2023-2024 từ 1-3%.
Đối với khu vực ĐBSCL, dự báo tổng lượng nước về trạm Tân Châu và Châu Đốc từ 137-143 tỷ m3, xấp xỉ trung bình nhiều năm và thấp hơn mùa cạn năm 2023-2024 khoảng 5%.
Tuy nhiên, trong các tháng cao điểm của mùa cạn năm 2024-2025 (từ 1-4/2025), dự báo tổng lượng dòng chảy qua trạm Tân Châu và Châu Đốc từ 48,9-51 tỷ m3, thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 2-6% nhưng cao hơn cùng kỳ mùa cạn năm 2023-2024 khoảng từ 7-11%. Ngoài ra, dự báo trong các tháng mùa cạn, trên vùng ĐBSCL có khả năng xuất hiện mưa trái mùa.
Về nước dưới đất, trên vùng ĐBSCL có thể khai thác với trữ lượng khoảng 7,8 triệu m³/ngày đêm, mực nước dưới đất của các tầng chứa nước tiếp tục duy trì ổn định, một số vùng có xu hướng giảm nhẹ (do bắt đầu vào mùa cạn) nhưng đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép. Vì vậy, có thể tiếp tục khai thác nguồn nước dưới đất để phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ theo quy định.
Dự báo mặn cao điểm có khả năng tiến sâu vào các cửa sông trên lưu vực sông Cửu Long trong các đợt triều cường từ tháng 2-4/2025 với ranh mặn 4‰ có khả năng xâm nhập vào sâu cách các cửa sông chính như: sông Tiền khoảng từ 35-50km (thấp hơn khoảng 10-15km so với năm 2024), sông Hậu khoảng từ 42-50km (thấp hơn khoảng 7-12km so với năm 2024), sông Hàm Luông khoảng từ 45-60km (thấp hơn khoảng 5-10km so với năm 2024), sông Cổ Chiên khoảng từ 40-50km (thấp hơn khoảng 5-10km so với năm 2024) và sông Cái Lớn khoảng từ 40-50km (thấp hơn khoảng 5-10km so với năm 2024).
Từ đó, Bộ TN-MT nhận định, về tổng thể nguồn nước đến trên vùng ĐBSCL cơ bản sẽ đáp ứng đủ các nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt, an sinh xã hội, kinh tế và bảo vệ môi trường. Vì vậy, nguồn nước trong kỳ công bố sẽ ở trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ xảy ra thiếu nước cục bộ với nguyên nhân chủ yếu do xâm nhập mặn và hệ thống các công trình thủy lợi, hệ thống các công trình cấp nước tập trung chưa được hoàn thiện đồng bộ. Do đó, vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin