Bảo vệ lúa Đông Xuân trước hạn mặn dịp Tết

13:58, 24/01/2025

(VLO) Theo dự báo của ngành chức năng, xâm nhập mặn sẽ xuất hiện vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2025. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết đang là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại trên lúa. Do đó, nông dân cần có biện pháp ứng phó với xâm nhập mặn, chăm sóc đồng ruộng để an tâm ăn Tết.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết từ nay đến 10/2, khu vực Nam Bộ dự báo có mưa trái mùa và nguy cơ xâm nhập mặn tại một số tỉnh vùng ĐBSCL.

Nông dân cần theo dõi sát thông tin dự báo xâm nhập mặn, cảnh báo dịch hại để bảo vệ lúa Đông Xuân những ngày Tết.
Nông dân cần theo dõi sát thông tin dự báo xâm nhập mặn, cảnh báo dịch hại để bảo vệ lúa Đông Xuân những ngày Tết.

Tại Vĩnh Long, theo ông Trương Hoàng Giang- Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong mùa khô năm nay sẽ còn 2 đợt triều cao là kỳ triều Tết Nguyên đán và đầu tháng 2 âl, kèm theo đó là xâm nhập mặn với ranh giới 4 g/l ở vàm Quới An trên sông Măng Thít, tương tự trên sông Trà Ôn tại Tích Thiện cũng sẽ đạt ngưỡng 4 g/l, với ngưỡng mặn này thì khả năng xâm nhập sâu vào các sông trong nội đồng sẽ cao.

Bên cạnh đó, theo dự báo của ngành nông nghiệp, tình hình thời tiết hiện tại và trong thời gian tới là điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển và có khả năng gây hại nặng của nhiều đối tượng sinh vật gây hại cây trồng chính trong dịp Tết.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, từ ngày 21-31/1, lúa Đông Xuân 2024-2025 của tỉnh tập trung giai đoạn đòng trổ đến chắc xanh- chín. Lúa trà muộn ở huyện Mang Thít và Vũng Liêm ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. Hơn 90% lúa trà sớm ở huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít, TX Bình Minh đã thu hoạch.

“Vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 trà lúa sớm đã thu hoạch 1.350ha, năng suất bình quân 5,47 tấn/ha, diện tích chắc xanh chín sắp thu hoạch 2.000ha.

Hiện tại, lúa đang giai đoạn làm đòng đến trổ chiếm tỷ lệ 90% diện tích xuống giống. Tình hình thời tiết sáng sớm có nhiều sương mù, ngày nắng dịu, ẩm độ không khí khá cao kết hợp các trà lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng đến trổ nên tạo điều kiện thuận lợi cho dịch hại phát triển.

Các đối tượng dịch hại chủ yếu như bệnh đạo ôn, vàng lá chín sớm, cháy bìa lá, chuột…”- bà Lê Thị Chính- Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho hay.

Bên cạnh đó, trong đầu tháng 1/2025, đo độ mặn tại vàm Nàng Âm 0,5‰, vàm Vũng Liêm 0,3‰, chợ Vũng Liêm 0,1‰. Do vậy, các địa phương không nên chủ quan.

Để bảo vệ lúa tránh khỏi những nguy hại do sâu bệnh, dịch hại và ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong những ngày Tết, ngành nông nghiệp khuyến cáo, nông dân nên thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện sớm các loại sâu hại để có cách xử lý kịp thời.

Lúa có ngưỡng chịu mặn 1,28‰. Do đó, phải thường xuyên kiểm tra độ mặn, có lịch thời vụ cụ thể cho sản xuất, kết hợp với thông tin về khí tượng thủy văn, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để điều tiết nước tưới phù hợp với sản xuất. Tranh thủ lấy nước ngọt và trữ nước khi độ mặn xuống thấp theo thông báo và khuyến cáo của ngành chức năng.

Điều kiện thời tiết như hiện nay kết hợp giai đoạn lúa thích hợp cho sâu bệnh phát sinh và gây hại. Do đó, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra kỹ đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả.

Phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trước khi lúa trổ lác đác khoảng 5% và sau khi lúa đã trổ đều, tiến hành phun ngừa một trong những loại thuốc đặc trị, không nên phun phân bón lá khi ruộng đang bệnh, nên giữ nước trong ruộng, đặc biệt là ở giai đoạn lúa trổ- chắc xanh.

Khi bệnh chớm xuất hiện sử dụng thuốc đặc trị phun xịt theo “4 đúng”. Khuyến cáo bà con tránh lạm dụng phân đạm, phân bón lá khi thấy có dấu hiệu của vết bệnh, bổ sung canxi, silic, đặc biệt lưu ý trên những chân ruộng thiếu nước, sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm có thể bị hại nặng.

Bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, khi thăm đồng nên khua động tán lá xem có rầy phấn bay lên hay không, đồng thời quan sát những mạng nhện trên ruộng lúa xem có rầy phấn dính vào mạng nhện không, quan sát mặt dưới lá lúa xem có rầy dưới lá hay không. Để phòng trừ hiệu quả sâu cuốn lá nông dân cần tích cực kiểm tra, theo dõi sự phát triển của sâu.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh