UBND tỉnh vừa quyết định phê duyệt kết quả nhiệm vụ đánh giá ổn định bờ sông Cổ Chiên. Theo đó, nguyên nhân mất ổn định bờ sông Cổ Chiên khu vực Tổ 9, Tổ 10, ấp Bình Thuận 1 (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) gồm: Gây thay đổi địa hình lòng sông và gây ra sạt lở bờ sông, trong đó tác động của con người làm biến đổi lòng dẫn mạnh nhất, dòng chảy lũ, triều có ảnh hưởng nhưng thời gian tác động dài, tác động của sóng gió, sóng tàu thuyền (nhỏ) làm sạt lở mặt, giảm bùn cát từ thượng nguồn (biến đổi dài theo thời gian)…
Để xử lý khắc phục sạt lở, ngành chức năng đề ra giải pháp phi công trình: tăng cường công tác đo đạc, theo dõi, nghiên cứu, dự báo xói lở, xác định hành lang an toàn ven sông, di dời các công trình, nhà cửa ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình khai thác cát lòng sông, đặc biệt chú ý đến phạm vi khai thác như độ sâu khai thác, bề rộng khai thác…
Bên cạnh đó, giải pháp công trình, trước mắt thực hiện gia cố bảo vệ đối với đoạn kè Phường 1, TP Vĩnh Long. Đối với khu vực phía bờ cù lao An Bình (đoạn từ rạch Cái Cá đến rạch Bà Bóng): thông báo, cảnh báo cho người dân biết để di dời, hạn chế các hoạt động sản xuất ở khu vực này và có biện pháp xử lý kịp thời; dừng các hoạt động khai thác cát làm hạ thấp lòng dẫn khu vực từ cầu Mỹ Thuận đến phà Đình Khao để phục hồi lại lòng sông làm tăng ổn định mái bờ; xây dựng hành lang cảnh báo sạt lở phía cù lao An Bình với khoảng cách từ bờ sông vào 100m…
UBND yêu cầu các đơn vị có liên quan phối hợp nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp phi công trình, công trình bảo vệ bờ sông khu vực nghiên cứu để tránh làm mất ổn định tổng thể, đặc biệt cần tuyên truyền, nghiêm cấm các hoạt động làm gia tăng tải trọng đường bờ, các hoạt động giao thông ven sông làm gia tăng nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở; đánh giá lại quy hoạch khai thác cát trên toàn bộ sông Tiền qua tỉnh Vĩnh Long…
NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin